.

Thời của "sống xanh"!

Cập nhật: 08:39, 03/05/2019 (GMT+7)

Anh bạn tôi sống ở TP. Hồ Chí Minh. Dịp giỗ Tổ Hùng Vương 2019, anh đưa bầu đoàn thê tử đi du lịch 4 ngày ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam). Khi trở về, anh khen chính quyền địa phương từng bước thay đổi nhận thức của người dân về túi nilông rất hay. Góp nhặt thông tin từ chuyến đi, anh cho biết mấy năm trước, người dân của xã đảo được cấp giỏ xách thân thiện với môi trường và camen nhựa sử dụng thay túi nilông. Chính quyền xã vận động ĐVTN, Hội phụ nữ và các công ty lữ hành nhắc nhở du khách không mang bao nilông lên đảo. Phải qua năm lần bảy lượt họp dân, hết vận động, nói nhẹ rồi nói nặng, người dân xã đảo mới toàn tâm toàn ý nói “không” với túi nilông như ngày hôm nay.

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, anh bạn thân của tôi đưa gia đình ra Hồ Tràm (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) tắm biển. Anh chia sẻ một trong những “cảm giác rợn người” của anh trong chuyến đi này là bị những bao nilông trôi lềnh bềnh trên biển… cuộn vào chân. Còn trên bờ thì rác thải ngập tràn từ túi nilông, ngư cụ hư, rong biển chết, thức ăn thừa do du khách bỏ lại…

Chừng như chưa hết bức xúc về chuyện túi nilông, hôm qua anh lại gọi điện kể lại chuyến du lịch Cù Lao Chàm hôm 14-4 và hy vọng rằng trong một ngày không xa, BR-VT sẽ tổ chức “Một ngày không túi nilông”, người dân sẽ chuyển sang sử dụng các loại bao giấy và lá cây thay thế việc dùng túi nilông. Anh cho rằng BR-VT là trung tâm du lịch nổi tiếng không chỉ của khu vực miền Đông Nam Bộ mà là của cả nước. Vì vậy, những đòi hỏi của du khách về một BR-VT xanh-sạch-đẹp là chính đáng và nếu lối “sống xanh” được hưởng ứng và lan rộng trong cộng đồng thì mảnh đất thơ mộng, đầy nắng gió này sẽ thu hút được nhiều du khách hơn.

Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, “đóng góp” tới 60% lượng rác thải nhựa ra đại dương. Tại BR-VT, mỗi ngày phát sinh khoảng 800 tấn rác sinh hoạt, trong đó tỷ lệ túi nilông chiếm khoảng 8%. Không ít du khách, cư dân địa phương xả túi nilông ra bất cứ nơi nào có thể, trong khi số du khách và người dân giảm sử dụng túi ni lông để bảo vệ môi trường lại chưa nhiều. Dù công nhân vệ sinh đã nỗ lực dọn dẹp, thu gom, chúng vẫn còn sót lại rất nhiều trên bãi biển, dưới lòng đường, miệng cống…

Phần lớn người tiêu dùng hiện nay đã ít nhiều hiểu được tác hại của túi nilông đối với sức khỏe và môi trường nên nhiều người đã quyết định mang túi vải khi đi siêu thị, dùng ống hút làm từ gạo, cỏ, tre… thay cho ống hút nhựa, hạn chế mua các loại nước uống đóng chai, thay bằng chiếc bình inox chứa đầy nước. Đáng mừng là nhiều siêu thị, cửa hàng tự chọn đã chủ động sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nilông. Mới đây, Saigon Co.op lại tiến thêm một bước nữa bằng chiến dịch “quét sạch” ống hút nhựa ra khỏi hơn 600 siêu thị lớn nhỏ của mình trên cả nước. Tuy vậy hàng ngày trên thị trường - nhất là ở các chợ truyền thống, túi nilông vẫn được sử dụng tràn lan cho thấy một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng về tâm thế và nhận thức để đến với các bao gói, túi đựng thân thiện với môi trường. Thách thức với sống xanh thực sự không nhỏ!

Để lối “sống xanh” thực sự lên ngôi, có rất nhiều việc phải làm, nhất là về mặt vĩ mô. Chẳng hạn như tăng thuế đối với việc sản xuất, tiêu dùng túi ni lông, mở đường cho việc phát triển và phổ biến nhiều loại túi thân thiện với môi trường nhằm điều chỉnh thói quen của người dân; Có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp tổ chức thu gom và tái chế rác nilông; Buộc người tiêu dùng phải trả tiền mua túi nilông khi mua hàng để khuyến khích tái sử dụng túi nilông hoặc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

Cách tổ chức,vận động người dân nói “không” với túi nilông của xã Cù Lao Chàm thật ra không có gì “cao siêu”, khó thực hiện. Ở BR-VT cũng không thiếu những hình mẫu để vận dụng nhân rộng. Cửa hàng thực phẩm sạch Vifarm.org (17G2, Nguyễn Thái Học, phường 7, TP. Vũng Tàu) là cửa hàng đầu tiên ở BR-VT chuyển từ túi nilông sang gói lá chuối. Mô hình “giỏ nhựa đi chợ” của Hội LHPN một số địa phương cũng đã góp phần làm thay đổi thói quen sử dụng túi nilông khi đi chợ của các hội viên phụ nữ.

Nếu quyết tâm và sự kiên trì trong tổ chức thực hiện, chắc chắn sẽ tạo nên sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng và cuộc vận động người dân nói “không” với túi nilông sẽ được nhiều người tích cực hưởng ứng, đồng lòng loại trừ sản phẩm không thân thiện với môi trường này ra khỏi cuộc sống.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.