Minh bạch giá điện
Một trong những vấn đề làm “nóng” phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 8-5 là việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện gây bức xúc cho cử tri cả nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói, lâu nay dư luận vẫn hoài nghi về tính minh bạch của quản lý điện và hoạt động của EVN, do đó Chính phủ cần kiểm tra để giải đáp cho dư luận, cử tri được biết. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong việc tăng giá điện, Chính phủ không chỉ lập đoàn thanh tra mà phải giải thích Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực có làm đúng hay không, vì họ đang làm theo quyết định, lộ trình của Chính phủ.
Xin được nhắc lại là tháng vừa rồi, nhiều người dân đã “sốc” khi cầm trong tay hóa đơn tiền điện với số tiền tăng gấp 2-3 lần so với tháng trước.
Theo giải thích của ngành điện thì tiền điện tháng rồi tăng do 3 nguyên nhân: Giá điện tăng, nắng nóng kéo dài và số ngày sử dụng điện trong tháng nhiều hơn. Thế nhưng, các chuyên gia am hiểu vấn đề thì cho rằng, lý giải của ngành điện cho việc tăng giá vừa qua chỉ là một góc độ, nguyên nhân chủ yếu là ở sự bất hợp lý của biểu giá điện. Phân tích về điểm bất hợp lý của biểu giá điện hiện nay, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, chỉ có giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc 1 (từ 0-50kWh) và bậc 2 (từ 51-100kWh) là thấp hơn so với giá điện bán lẻ bình quân (1.864 đồng/kWh), còn lại từ bậc 3 đến bậc 6, giá điện bán lẻ lại cao hơn nhiều so với giá điện bình quân.
Trong khi đó, hầu hết các hộ gia đình đều phải sử dụng điện trong mức từ trên 100kWh trở lên, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Như vậy, ngành điện đã tính một mức giá có lợi cho mình. Người dân dùng càng nhiều điện thì càng phải nộp nhiều tiền. Theo chuyên gia Ngô Trí Long biểu giá điện cần được chia nhỏ nhiều bậc thêm nữa, không chỉ dừng lại ở 6 bậc như hiện nay. Người dân dùng bao nhiêu điện trong khoảng nào thì sẽ trả tiền bấy nhiêu.
Sáng 6-5, trả lời báo chí, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN nói: “Nhiều ông cứ bảo giải tán EVN. Tôi nói thật: Giải tán EVN hoặc giải tán các DN Nhà nước đang làm điện thì giá điện tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngay. Cho nên mình phải nhìn vào thực tế khách quan, cái gì làm được, chưa làm được và phải có những góp ý rất cụ thể”. Những phát biểu này của ông Đinh Quang Tri ít nhiều đã gây “sốc” cho dư luận. Người dân, cán bộ, công nhân nhân viên lương thấp, bản thân họ đã phải hết sức dè sẻn, tiết kiệm chi tiêu tối đa để tránh bị hao hụt hầu bao trong bối cảnh giá cả tiêu dùng đắt đỏ như hiện nay. Với họ, việc mỗi tháng phải trả tiền điện gấp 2 hoặc gấp 3 lần so với trước không hề là chuyện nhỏ. Vì vậy, họ có quyền đặt câu hỏi có phải EVN đã hết cách và phải tăng giá điện để bù lỗ và việc tăng giá điện có làm “lành mạnh hóa tình hình tài chính” cho EVN?
Lâu nay khi giải thích về việc tăng giá điện, EVN thường so sánh rằng do giá điện trong nước vẫn thấp hơn giá điện trong khu vực và trên thế giới. Nhưng đã có những phản biện mang tính khoa học cho thấy, EVN tính chưa đúng, chưa đủ đầu vào, đầu ra giữa ngành điện trong nước và các nước trong khu vực.
Điện, xăng dầu… là những mặt hàng nhạy cảm, có ảnh hưởng và chi phối đến đời sống người dân và cả nền kinh tế. Thực tế cho thấy, khi những mặt hàng này bị biến động lập tức có tác động tiêu cực đến với sản xuất và đời sống.
Đã đến lúc cần một cơ chế linh hoạt hơn trong điều chỉnh giá điện, phải minh bạch hơn về cơ cấu giá, và để đạt được điều đó cần phải có một “trọng tài” giám sát. Vị trọng tài đó chính là một đơn vị độc lập không thuộc Nhà nước thẩm định lại, tránh việc có những chi phí không phục vụ sản xuất kinh doanh điện được tính vào giá điện. Theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) giá thành điện của EVN bao gồm cả chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện với chi phí tăng đều: Năm 2016 là 331 tỷ đồng. Năm 2017 tăng lên 488 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2016 trong khi “hiệu quả của công tác này hiện chưa thực sự rõ ràng”.
Điều chỉnh giá điện là việc cần thiết vì các yếu tố đầu vào của nền kinh tế đều tăng. Tuy nhiên, việc tăng giá điện phải hợp lý, minh bạch để người dân kịp thích ứng và “khẩu phục tâm phục”. Trước phương thức, thời điểm tăng giá điện của EVN, nguy cơ lạm phát và gánh nặng tiền điện với dân là rất lớn.
Khi đề xuất và triển khai việc tăng giá điện, phải chăng EVN chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình mà “quên” đi những hệ lụy kéo theo của việc tăng giá này?