.

Nghĩ về đường cao tốc

Cập nhật: 18:33, 21/05/2019 (GMT+7)

Nếu không có gì thay đổi thì tháng 6-2019, một số gói thầu của ba dự án đường cao tốc Bắc-Nam có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng sẽ được khởi công. Đó là tuyến cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn nằm trên địa bàn tỉnh Nam Định và Ninh Bình, tuyến Cam Lộ-La Sơn đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế và cầu Mỹ Thuận 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Tiếp đó, dự án đường cao tốc Bắc-Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160km với tổng mức đầu tư 39,66 ngàn tỉ đồng sẽ được triển khai. Nhân sự kiện này, nhiều chuyện gia, hiệp hội và cả người dân đã bày tỏ niềm vui trước việc đất nước có thêm những công trình mới nhưng cũng gửi gắm hy vọng các đường cao tốc này sẽ tránh được những “khuyết tật” của những con đường cao tốc đã xây dựng trước đó.

Những “khuyết tật” đó là gì? Xin lấy đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây làm ví dụ: Thông xe toàn tuyến vào đầu năm 2015, tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây giúp rút ngắn quãng đường từ TP.Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu chỉ còn 1 giờ 20 phút, ước tính giảm khoảng 20-30% chi phí vận tải. Thế nhưng, chỉ 2 năm sau khi đi vào vận hành, thay vì chạy với tốc độ cho phép 120km/giờ, nhiều xe lưu thông trên tuyến đường này phải chịu cảnh nối đuôi, ùn ứ kéo dài, nhất là vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, Tết. Lý do là đoạn đường dẫn từ QL51 lên cao tốc nhỏ, hẹp dẫn đến xảy ra xung đột giao thông giữa các phương tiện hướng từ Biên Hòa đi Vũng Tàu và hướng từ Vũng Tàu ôm cua lên cao tốc về TP.Hồ Chí Minh.
 
Dự báo lưu lượng xe thiếu chính xác, chậm đồng bộ hạ tầng theo quy hoạch cũng là nguyên nhân biến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây thành đường “thấp tốc” và hệ quả là nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra khiến nhiều người thương vong, phương tiện bị hư hỏng nặng. Không ít đường cao tốc ở miền Trung và phía Bắc cũng mang những “khuyết tật” tương tự bên cạnh một số nguyên nhân như chủ đầu tư buông lỏng quản lý và nghiệm thu chất lượng công trình, chọn nhà thầu không đạt yêu cầu; tư vấn giám sát kém dẫn tới chất lượng công trình không bảo đảm.
 
Muốn những đường cao tốc sắp sửa khởi công như kỳ vọng của bao người, dứt khoát loại bỏ ngay từ trong “trứng nước” những ý nghĩ qui hoạch và hình thành những huyện thị mới, phố xá mới, nhà cửa mới dọc hai bên đường cao tốc, phải xây dựng một ý tưởng duy nhất sao cho những con đường cao tốc mới này có qui mô hiện đại, tối thiểu phải có từ 6-8 làn xe, đạt tốc độ tối đa 120km/h cùng 2 làn dừng khẩn cấp; kết cấu mặt đường với những vật liệu chất lượng cao, thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, các hệ thống thông tin, biển báo được trang bị đầy đủ, hiện đại giúp các phương tiện lưu thông tiện lợi, an toàn, sao cho hàng chục ngàn tỷ đồng bỏ ra xây dựng sẽ không phí phạm.
 
Đó phải là những đường cao tốc “tiền lệ” ở Việt Nam trong ý nghĩa nhất định không cho nảy sinh và phát triển các khu dân cư dọc đường cao tốc. Vẫn biết có những ý nghĩ cho rằng nên xây dựng khu dân cư dọc đường sắp xây để tận dụng lợi ích kinh tế của con đường. Thế nhưng, suy nghĩ đó đã thuộc về quá khứ, thời xây dựng những tỉnh lộ, hương lộ và… những con đường làng, các khu dân cư luôn mọc hai bên trục lộ giao thông theo hình xương cá, lợi ích kinh tế xã hội song song với lợi ích giao thương. Ngày nay, các đường cao tốc được xây dựng với lợi ích chính và chức năng duy nhất là bảo đảm cho xe cộ lưu thông đúng với tốc độ thiết kế, rút ngắn thời gian lưu thông, tiết kiệm chi phí cho các phương tiện.
 
Trong xây dựng các xa lộ cao tốc, hai chức năng kinh tế-xã hội/thời gian giao thương rút ngắn không thể trùng lắp. Cần dứt khoát suy nghĩ rằng nếu bảo vệ được đường cao tốc không bị “hè phố hoá” dọc hai bên thì việc rút ngắn thời gian di chuyển của các phương tiện từ 3 giờ xuống chỉ còn 1,5 giờ chẳng hạn chính là một lợi ích khó sánh. Muốn như vậy, phải tránh chạy qua các khu vực dân cư đông đúc, đất canh tác trù mật, gây xáo trộn đời sống sinh hoạt người dân địa phương, mặt khác chủ động xây tường bao hai bên đường cao tốc, nếu có thể cho trồng rừng hai bên, hạn chế tối đa việc trổ đường ngang để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lưu thông. Muốn như vậy, những đoạn giao với quốc lộ hoặc tỉnh lộ phải có không gian rộng, hợp lý, tránh tình trạng thắt nút cổ chai dẫn đến sự cộng hưởng quá tải, xung đột giao thông.
 
Cuối cùng, để các đường cao tốc đúng nghĩa là đường cao tốc, dứt khoát phải chấn chỉnh, loại bỏ các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên cao tốc như đi ngược chiều, đi lùi, dừng đỗ trái phép, tổ chức ăn nhậu ở làn khẩn cấp uy hiếp nghiêm trọng an toàn giao thông của người và phương tiện lưu thông.
 
Một nhà báo Nga từng nói “đường cao tốc không chỉ là giao thông, nó là cả một văn hóa”. Nếu cứ mang “văn hoá đường làng” áp dụng cho lưu thông đường cao tốc chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
NGUYỄN TRIỆU HẢI
 
.
.
.