Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT), trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra: 1 cơn bão; 4 đợt không khí lạnh gây rét hại; 34 trận mưa giông kèm lốc, sét, mưa đá; 3 đợt nắng nóng, 4 đợt triều cường; 2 điểm sạt lở bờ sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; 1 trận động đất. Thiên tai đã làm 8 người chết và mất tích, 21 người bị thương; thiệt hại về tài sản hơn 170 tỷ đồng.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay chưa xảy ra trường hợp thiệt hại đáng kể do thiên tai gây ra. Nhưng trong năm 2018, tỉnh BR-VT đã chịu ảnh hưởng của 9 cơn bão, 7 đợt áp thấp và 18 đợt thời tiết nguy hiểm trên biển.
Đặc biệt, cơn bão số 9 (Usagi) đã đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh, gây thiệt hại về tài sản ước tính hơn 25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, do tình hình thời tiết phức tạp, gió mạnh trên biển liên tục xảy ra, gây nên 127 vụ tai nạn và sự cố, làm chết 44 người, mất tích 49 người, bị thương 16 người, 34 phương tiện bị chìm, 9 phương tiện bị hư hỏng. Mặt khác, chịu sự ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mạnh, kết hợp triều cường dâng cao, đã gây ra hiện tượng xói lở tại 17 khu vực dọc theo chiều dài bờ biển của tỉnh.
Nhằm chủ động trong công tác PCTT trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 292/QĐ-UBND kèm theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, các sở, ngành, địa phương đã xây dựng các chương trình, dự án ứng phó thiên tai do BĐKH; tổ chức thực hiện các giải pháp cân bằng giữa phát triển kinh tế với môi trường tự nhiên, hạn chế những tác nhân làm gia tăng BĐKH tại các đô thị, khu vực trọng yếu về phòng hộ, bảo tồn thiên nhiên.
Về nhiệm vụ PCTT trên phạm vi cả nước, quan điểm của Đảng thể hiện rõ tại các văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020; các nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn… với tinh thần chủ đạo như văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã nêu: “Khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Quốc hội cũng đã ban hành Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2014. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 13-2-2019, lấy ngày 15 đến 22-5 hàng năm là “Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai”.
Hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia phòng chống thiên tai” năm nay, cần xác định rõ công tác PCTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để quản lý rủi ro, lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Nội dung PCTT phải được đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các ngành, địa phương. Xây dựng các công trình PCTT phải kết hợp các mục tiêu phát triển; khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực PCTT theo hình thức đối tác công-tư bằng các cơ chế, chính sách phù hợp. Thường xuyên bồi dưỡng, bổ sung kỹ năng, nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác PCTT. Đẩy mạnh công tác truyền thông với mục tiêu “xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai vì sự phát triển bền vững” như quan điểm chỉ đạo của Trung ương về nhiệm vụ PCTT và ứng phó BĐKH.
NHỰT THANH