Những người xung quanh
Đầu tháng 5-2019, ở Vũng Tàu có một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hai người còn trẻ, chở nhau trên xe máy, đã tử nạn khi họ tự đâm vào gốc cây bên đường. Tôi nghe người thân của một trong 2 nạn nhân kể, khi biết tin này, một vài người bữa đó cùng ngồi uống với 2 nạn nhân bảo: Chúng nó say quá mà!
Có lẽ chẳng riêng tôi, mà bất cứ ai nghe chuyện cũng có thể tự nhiên bật ra câu hỏi, rằng đã biết “chúng nó say quá”, ra đường dễ gặp nguy hiểm, sao những người xung quanh, những bạn cùng cuộc tiệc còn tỉnh táo khi ấy không tìm cách khác để đưa họ về nhà an toàn? Trong vụ này, liệu những “người tỉnh” như họ có thể hoàn toàn không liên can?
Trên thực tế, kể từ khi có quy định xử phạt người lái xe có nồng độ cồn trong hơi thở vượt mức cho phép, kể từ khi có cuộc vận động “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, trong dư luận đã có những đề xuất, như chủ quán phải hạn chế lượng bia rượu bán cho khách, tổ chức xe chở khách về… nhưng vì nhiều lý do, đến nay vẫn chưa có quy định ràng buộc nào về trách nhiệm của người bán bia rượu với thực khách cả.
Nhưng tôi nghĩ, trong khi các chủ quán chỉ là số ít, thì những bạn nhậu mới là số nhiều và trách nhiệm giữa họ với nhau mới là đáng nói. Người Việt khi nhậu thích ép nhau uống nhiều, uống say, vì say mới là vui, là tri kỷ, là “tình thương mến thương” nhau; còn không say là không hết lòng với bạn bè, là không tốt. “Áp lực” do bạn nhậu tạo ra trong khi uống rượu bia là không hề nhỏ, và nhiều người đã bị say, dù không muốn. Vì vậy, một mình người nhậu khó có thể tự cai rượu bia, họ cần được hỗ trợ để vượt qua thói quen cũ, trong đó có việc những người thân không ép họ uống, nhất là khi biết họ còn phải lái xe. Trách nhiệm giữa những người cùng uống rượu bia với nhau là ngăn không để người lái xe uống say, và ngăn không để người đã say phải lái xe nhằm bảo đảm an toàn cho sức khoẻ, tính mạng của mình và người thân.
Cho nên tôi nghĩ, những định nghĩa của Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban An toàn gia thông Quốc gia Trương Hòa Bình về việc “Đã uống rượu bia thì không lái xe” và “Phải lái xe thì không uống rượu” là rất có lý. Phát biểu tại cuộc đi bộ của 8.000 người quanh Hồ Gươm (Hà Nội) sáng 12-5-2019 để phát động mọi người hưởng ứng thông điệp “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, Phó Thủ tướng đã nêu rất rõ ràng 4 việc để mọi người hiểu cụ thể như thế nào là “Đã uống rượu bia thì không lái xe” và “Phải lái xe thì không uống rượu”. 4 việc gồm: Một là, mỗi người cương quyết không uống rượu bia nếu sau bữa ăn phải lái xe. Hai là, không mời, không ép người khác uống rượu, bia nếu biết sau bữa ăn họ phải lái xe. Ba là, từ chối ngồi lên xe ô tô hay mô tô mà người lái xe vừa uống rượu bia. Bốn là, chủ nhà hàng, quán nhậu hãy hỏi để biết và cung cấp đồ uống không có cồn cho khách hàng là người phải lái xe sau bữa ăn.
Nếu điểm 1 là việc dành cho chủ thể người uống rượu bia và đồng thời là người lái xe, thì tới 3 điểm còn lại là những việc thuộc trách nhiệm của những người xung quanh.
HẢI THANH