Lời thách thức dễ thương
Từ đầu tháng 3 đến nay, cộng đồng mạng trên khắp thế giới lan truyền một trào lưu cực dễ thương là thu gom rác thải tại các khu vực công cộng. Trào lưu này xuất phát từ lời thách thức của ông Byron Román (53 tuổi, sống tại TP. Phoenix, bang Arizona, Mỹ) trên mạng xã hội vào ngày 5-3: “Thử thách mới dành cho các thanh thiếu niên đang buồn chán đây. Hãy chụp ảnh một khu vực nào đó cần dọn dẹp, sau đó chụp lại khi bạn đã thay đổi nó rồi chia sẻ lên mạng”. Román viết dòng trạng thái trên kèm hình ảnh một chàng trai trước và sau khi dọn hết đống rác ngổn ngang trên một khu đất.
Lời thách thức này nhanh chóng được giới trẻ thế giới, trong đó có giới trẻ Việt Nam hưởng ứng và chia sẻ rộng rãi. Những ngày qua, từ Bắc chí Nam, nhiều bạn trẻ/nhóm bạn trẻ cả nước đã rủ nhau dọn rác ở những khu vực công cộng, bãi biển, đường phố… sau đó quay phim, chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Tại Vũng Tàu, trong video clip được chia sẻ rộng rãi gần đây, một thanh niên phát biểu rằng, anh muốn chụp hình bên cây bông gòn trên sườn núi Nhỏ nhưng vướng đống rác nên anh sẽ dọn đi để có khung cảnh đẹp. Vậy là sau một hồi chăm chú làm việc, với sự hỗ trợ của một cô gái, anh chàng đã vượt qua thử thách. Hai người thu gom hết rác và đóng bịch rồi vận chuyển lên lề đường Hải Đăng. Sau đó, chàng thanh niên vui vẻ chụp ảnh với hậu cảnh thơ mộng cùng cây bông gòn. Hành động của chàng thanh niên này đã nhận được hàng ngàn lượt thích (like) cùng hàng trăm bình luận và chia sẻ với nội dung khen ngợi, khích lệ, đồng thời đề nghị anh tiếp tục thực hiện các thử thách mới bằng việc dọn rác ở những khu vực khác.
Có người cho rằng, trào lưu trên chỉ là nhất thời và sẽ nhanh chóng trở nên nhàm chán rồi bị lãng quên như bao trào lưu khác. Những hành động dọn rác đó sẽ trở nên vô ích, bởi sau một thời gian, những người thiếu ý thức khác sẽ lại xả rác ra đó. Thực tế, xã hội rất cần có những trào lưu tích cực như vậy. Nghĩ rộng ra, đó là một hành động bảo vệ môi trường rất đáng khen và đáng nhân rộng. Dĩ nhiên, một nhóm người, một trào lưu không thể giúp dọn hết rác ở khắp nơi. Nhưng ý nghĩa của nó lớn hơn rất nhiều, sâu xa hơn là tác động trực tiếp đến người xem, từ đó làm thay đổi ý thức và hành động của cộng đồng đối với rác thải, hình thành ý thức và thói quen bảo vệ môi trường.
Một số người có thể nghĩ rằng chỉ mình có ý thức trong khi mọi người xung quanh vẫn xâm hại môi trường thì sẽ không thay đổi được gì. Mình chỉ xả mẩu rác ra đường chắc không ảnh hưởng gì… Nếu ai cũng nghĩ vậy thì ai sẽ hành động để bảo vệ môi trường, và khi đó, Trái đất sẽ phải hứng chịu lượng rác thải như thế nào? Do đó, hành động nhặt rác, dù chỉ là một mẩu rác nhỏ trên đường hoặc để rác đúng nơi quy định cũng là những việc làm rất đáng khen, đáng khuyến khích.
Chưa bao giờ, vấn đề hạn chế rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa lại được quan tâm, bàn tán nhiều như hiện nay. Muốn hạn chế rác thải, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, cần có sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Điều đáng mừng, nhiều hành động thiết thực nhằm hạn chế rác thải nhựa đã và đang được thực hiện. Một số công sở, quán cà phê và người tiêu dùng đã thay thế các vật dụng đựng nước, uống nước từ đồ nhựa dùng một lần bằng chất liệu thủy tinh, inox, giấy hoặc tái sử dụng.
Hy vọng rằng, trào lưu dọn rác hình thành từ lời thách thức nói trên sẽ không dừng lại, mà lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, trở thành việc làm thường xuyên, hình thành ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường trong mỗi cá nhân, gia đình.
NGUYỄN ĐỨC