Chớ coi thường du lịch bình dân!
Một bãi biển hình vòng cung trải dài với những con sóng nhỏ vỗ bờ êm ả. Một dãy chòi lá mát rượi sắp đặt vừa vặn những bộ ghế bố để ngả lưng, phóng tầm mắt ra khơi xa. Một khu nhà ngói trải dài gần 25m, treo những chiếc đèn lồng tỏa ánh sáng dịu nhẹ mê hoặc. Xen vào đó là các khu nhà nghỉ bình dân 2 - 4 - 6 giường đôi/phòng với đầy đủ tiện nghi tủ lạnh, máy điều hòa, nhà vệ sinh. Một khu mua bán hải sản tươi sống cuả người dân địa phương vừa mới đánh bắt đưa lên còn tươi rói, lại có bếp nấu, lò nướng than để có thể ngay tại chỗ thao tác nhanh vài chiêu hấp, luộc, xào, nướng. Một khu nhà hàng hơn chục bộ bàn ăn, quầy nước giải khát, quầy lễ tân kiêm quản trị, thông tin. Một cánh diều bay cao trên bầu trời xanh trong của miền Nam tháng 3 và khu sân vườn đầy hoa, cỏ, rải ít sỏi làm điểm nhấn gợi hình ảnh thơ mộng mời gọi bước chân du khách… Đó là tất cả những gì được gọi là “du lịch bình dân” mà ông Đặng Hải Đường, chủ KDL Viễn Đông – Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc) gầy dựng hơn chục năm nay.
Nói là du lịch bình dân, nhưng để có cái cơ ngơi bình dân đó, ông Tư Đường đã bỏ ra gần 30 tỷ đồng và công sức của cả đại gia đình vợ chồng, con trai, con gái, con dâu, con rể cùng chung tay, góp sức. Mười lăm năm trước, gia đình ông bỏ phố thị về sinh sống ở mảnh đất ven biển hoang sơ, chưa có điện, thiếu nước ngọt và ít người qua lại. Nhưng với tinh thần quyết liệt của một người cựu chiến binh, ông quyết “bắt sỏi đá phải thành cơm”, “bắt sóng dữ phải hiền lại dưới chân người”. Giờ đây, khi KDL đã nên hình hài, có tên trên bản đồ du lịch biển, bạn bè mới thấy chiến lược của ông khi cho các con đi đào tạo nghề Quản lý du lịch, Lễ tân, Bếp, Buồng, Cứu hộ bờ biển… từ trường Cao đẳng nghề Du lịch tỉnh là phương án đúng đắn và có tầm nhìn. Du lịch vào mùa, Viễn Đông – Hồ Cốc đón 800-1.500 khách 2 ngày cuối tuần, doanh thu 200 – 250 triệu đồng. Cả gia đình tất bật đón khách, nấu ăn, quét dọn, canh giữ an toàn và cứu hộ bờ biển. Du lịch vãn mùa, vài mươi khách/ngày, ông quay qua sửa chữa phòng nghỉ, cào xới – tạo dáng bờ cát, thiết kế kè chắn cát để chống xói lở bờ, chặt cây tỉa cành, chăm chút hoa lá trong khuôn viên KDL. Vẫn đang còn trong mùa đón khách du xuân, nhưng ông đã suy tính, lên thiết kế xây mới khu hồ bơi nước ngọt, khu nhà 26 phòng cho muà du lịch năm sau.
Cũng từ ý tưởng ban đầu “làm du lịch bình dân”, 2 năm trở lại đây, ông Tư Đường tiếp tục xin chủ trương khai thác, mở rộng hoạt động du lịch về phía đất đồi để làm du lịch sinh thái, kết nối với Khu bảo tồn đưa khách tham quan cảnh quan thiên nhiên rừng, làm phong phú thêm cho mô hình du lịch biển – bình dân nhưng hấp dẫn như ao ước của ông. Ngồi từ chòi lá của Viễn Đông – Hồ Cốc nhìn về hướng tòa nhà thương hiệu 5 sao Hồ Tràm Strip sừng sững, ông Tư Đường phấn chấn nói: “Mọi người có nhà cao tầng, có 5 sao, đón khách VIP cũng mừng. Nhưng Viễn Đông – Hồ Cốc của tôi chỉ ao ước được làm du lịch bình dân, đón khách bình dân, phục vụ chu đáo các yêu cầu giản dị của người lao động nghèo, sinh viên, học sinh: ăn ngon, tắm mát, ngủ sạch, hát hò, chơi trò chơi trên biển, hưởng không khí thiên nhiên trong lành. Tôi chưa cần giúp vốn, nhưng tôi rất cần được hỗ trợ về đào tạo nhân lực, về thủ tục triển khai dự án, về truyền thông, về sự bắt tay, gắn kết để du lịch bình dân phát triển”.
Câu nói của một Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh với 49 năm tuổi Đảng và nhiều năm miệt mài tìm tòi cách thức khai quật tiềm năng du lịch biển như một sự khẳng định về sự cần thiết cho việc đầu tư khai thác mảng du lịch bình dân vốn bị bỏ quên hoặc bị “chê nhỏ”. Có một khoảng thời gian khá dài du lịch bình dân bị đánh đồng với sự nhếch nhác, dịch vụ kém, không coi trọng về chất lượng sản phẩm. Điều đó thật sai lầm! Bình dân trong con mắt của nhà kinh doanh là giá gốc, giá mềm, lấy công làm lời; là các tiện nghi vật chất không quá cầu kỳ về sự sang trọng, không quá cao cấp trong thụ hưởng. Nhưng vẫn bảo đảm tuyệt đối về độ an toàn cho mọi hoạt động vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi; hết sức gần gũi về góc độ cảnh quan, môi trường sống; thân thiện trong thái độ phục vụ, nhanh nhạy, nhiệt tình trong ứng phó tình huống… Bình dân trong quan điểm kinh doanh của ông Tư cũng đang được sự hưởng ứng đồng tình của nhiều nhà làm dịch vụ du lịch khác trong xây dựng, tổ chức mô hình du lịch biển, kể cả kinh doanh nhà hàng, tour tuyến, nghỉ dưỡng. Cái quan niệm đó đã góp phần xóa đi tiếng xấu do hiểu sai lệch cho hai chữ “bình dân”. Có thể lợi nhuận không nhiều từ những dịch vụ không xếp vào hàng cao cấp, nhưng bình dân trong du lịch biển BR-VT cũng đã và đang được đầu tư một cách bài bản, có tầm nhìn và ngày càng nâng cao chất lượng đang là xu thế của dịch vụ du lịch phân khúc dành cho đại đa số khách công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Con số này không nhỏ. Nhu cầu giải trí, vui chơi nghỉ dưỡng của họ rất lớn. Đó cũng chính là cơ hội kinh doanh tốt cho những ai đang chịu khó “tích tiểu thành đại” từ những đồng lợi nhuận “bình dân” như những gì KDL Viễn Đông – Hồ Cốc đã chắt chiu để có như hôm nay.
THÁI AN