.

Đừng tẩy chay vắc xin phòng bệnh...

Cập nhật: 15:21, 14/03/2019 (GMT+7)

Sáng sớm, em họ tôi hớt hải gọi điện nhờ tôi đưa cháu lớn đi học giùm. Giọng em tôi khá mệt mỏi và lo lắng, pha lẫn sự áy náy chỉ vì cháu nhỏ vừa lên 5 tuổi phải nhập viện do nghi mắc bệnh sởi. 

Em họ tôi có 2 con nhỏ, cháu lớn học lớp 6, đã được tiêm ngừa đủ các mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. Cháu phát triển khỏe mạnh, chưa từng mắc các bệnh đã được tiêm chủng. Ấy vậy mà, khi có cháu bé thứ 2, chỉ sau một thời gian nghe “đồn thổi”, lên mạng xã hội tham gia một số hội nhóm, tìm hiểu thông tin… em họ tôi nhất quyết để bé “thuận tự nhiên”, không đưa bé tiêm ngừa một số loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có vắc xin phòng ngừa bệnh sởi. Cho dù được khuyên răn, khuyến cáo thế nào từ người thân, một số bạn bè và kể cả từ phía tôi, cũng không lay chuyển nổi ý định mà em họ tôi gọi là “anti-vacxin” (tạm hiểu là chống lại việc sử dụng vắc xin trong phòng ngừa bệnh). 

Theo bà mẹ trẻ, việc tiêm ngừa vắc xin chỉ khiến cho cơ thể bé yếu ớt thêm đối với việc phòng chống bệnh, chưa kể, bé có thể phản ứng lại với vắc xin dẫn đến biến chứng. Và hậu quả “anti-vacxin” của bà mẹ trẻ là con gái nhỏ bị mắc bệnh sởi, vật vã, bỏ ăn, mệt mỏi do sốt, ho. Mới đầu, khi bé có triệu chứng sốt, ho, nổi ban… bà mẹ trẻ vẫn cho rằng con không bị sởi, chỉ là chuyển mùa nên ốm và nổi sẩn. Cho đến khi bé bị sốt cao, các nốt phát ban dày từng tảng và ho nhiều, mới vội vã đem con nhập viện thì bé được chẩn đoán mắc sởi, đã có biến chứng viêm phổi. Khi tôi đến thăm bé ở bệnh viện, bà mẹ trẻ rơm rớm nước mắt vì thương con và nói như mếu: “Lỗi tại mẹ, nên con mới ra nông nỗi này…”. 

Câu chuyện trên không phải là quá hiếm gặp, khi mà trong mấy năm trở lại đây xuất hiện trào lưu từ chối tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh cho trẻ và không chỉ đối với bệnh sởi mà còn nhiều bệnh khác như rubella, thủy đậu, ho gà, uốn ván… Đây đều là các bệnh dễ bùng phát thành dịch, có nguy cơ biến chứng nguy hiểm nếu trẻ mắc phải. Bệnh cũng dễ phòng ngừa bằng việc tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ. Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng không ít bà mẹ trẻ lại từ chối cơ hội được mạnh khỏe, miễn dịch một số bệnh của con mình vì nghe lời đồn đoán, tham gia những phong trào tẩy chay vắc xin thziếu căn cứ khoa học. Đây cũng là một trong nguyên nhân dẫn đến một số dịch bệnh bùng phát ồ ạt trong thời gian gần đây, trong đó “nóng” nhất là bệnh sởi, dù đã đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ rất nhiều năm nay. 

Bộ Y tế hiện đang “đau đầu” khi bệnh sởi đã lan rộng tới 56 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ từ tháng 10-2018 đến nay, đã có hơn 18 ngàn ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có gần 3.000 trường hợp mắc sởi dương tính được xác định, hiện số mắc vẫn chưa có xu hướng giảm, sởi lan rộng cả ở thành thị lẫn nông thôn. Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 52 ca nghi sởi, trong đó có 6 ca dương tính. Đáng báo động là, trong số 52 ca nghi mắc bệnh sởi, chỉ có 4 ca đã tiêm ngừa, còn lại là những trường hợp chưa từng tiêm ngừa vắc xin sởi (trong đó có 9 ca dưới 9 tháng tuổi). 

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp huy động lực lượng phối hợp với y tế địa phương thống kê đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng (tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch) để triển khai tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường. Đồng thời, tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch sởi như giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn; Tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng. Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học thực hiện rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh, thực hiện tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của tiêm vắc xin sởi, vận động gia đình, học sinh tham gia tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi và phối hợp tổ chức tốt việc tiêm vắc xin sởi tại các cơ sở giáo dục. Tăng cường tuyên truyền ở cộng đồng dân cư, nhất là những đối tượng nguy cơ cao, trẻ em, người chưa mắc bệnh hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin sởi cần đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi; Người dân phải chủ động khai báo cho cán bộ y tế địa phương khi mắc bệnh. 

Bệnh dịch gì cũng vậy, không quá lo ngại nếu cộng đồng chủ động phòng, chống. Ý thức người dân là quan trọng nhất. Đối với những bệnh liên quan đến trẻ em, thì bà mẹ là người quyết định chủ đạo. Vì vậy, đừng tẩy chay vắc xin, đừng để chuyện xảy ra mới thấy mình là người có lỗi…

THẢO LINH

 
.
.
.