.

Ra biển để… thở!

Cập nhật: 18:51, 20/03/2019 (GMT+7)

Một người bạn nhờ tôi tư vấn một khu du lịch bên biển thật… lãng mạn cho kỳ nghỉ cuối tuần. Tôi hỏi đùa, tiêu chuẩn lãng mạn của ông là gì, chớ ngồi đung đưa chân ở cầu thang một bungalow, với rượu vang, hoa tươi, nến thơm mà nghe sóng biển rì rào… thì bất cứ khu du lịch nào của BR-VT cũng đạt chuẩn. Anh cười nhẹ và bảo: “Tôi chỉ cần mảng xanh thiên nhiên. Không gian sân vườn sạch sẽ, yên tịnh. Vì thú thật, nơi tôi đang ở phố sá quá đông đúc, ồn ào. Văn phòng quá vuông vức với 4 bức tường, bàn buya rô, tủ hồ sơ chất ngất. Tôi muốn được ra biển của bạn để… thở”.

Hóa ra tiêu chuẩn lãng mạn của người bạn trung niên ở một thành phố hiện đại mà tất cả những người trẻ đều đang mơ ước kia lại là những gì mà chúng ta, những người dân phố biển thấy quá đỗi bình thường. Sáng sớm khi mang giày thể thao chạy một vòng ra biển Bãi Sau, ta đã kịp được hàng điệp vàng dọc đường Hoàng Hoa Thám chào đón. Ngược lên mũi Nghinh Phong đã có hàng phi lao mé biển và mảng xanh trên đỉnh núi Tao Phùng làm giãn nở cả lồng ngực, tươi mát tầm nhìn. Công viên biển trải thảm cỏ và hàng dừa nghiêng mình làm dáng của Bãi Trước - Bãi Tầm Dương xưa cứ thôi thúc ta phải ghé qua vài phút để ngắm biển xô bờ. Và chọn một điểm để dừng chân trên con đường Hạ Long - Trần Phú uốn lượn về phía Bạch Dinh đầy hoa sứ trắng và những cành giá tỵ vươn cao xanh ngắt, vững chãi trước gió kia cũng đủ để lòng người trở nên thanh thản.
 
Tôi còn nhớ, một người bạn ở Tòa soạn Báo Cao Bằng sau chuyến tham quan BR-VT đã có một bài viết khá dài và hấp dẫn, nhưng chỉ là đề cập đến mảng xanh đô thị biển. Chị gửi cho tôi xem và dùng bút dạ gạch chân đoạn mô tả những con đường đầy hoa bằng lăng tím của thành phố Bà Rịa; không gian cỏ xanh và hồ nước long lanh của Trung tâm Hành chính tỉnh; tuyến đường đầy hoa giấy hồng cam rực rỡ từ cầu Cỏ May về tận bùng binh Đài Liệt sĩ Vũng Tàu; vòm hoa anh đào đoạn qua Đèo Nước Ngọt; rừng cây phi lao, tràm bông vàng ven đường đến Khu di tích Minh Đạm; vạt hoa dừa cạn suốt từ khu du lịch Hương Phong về gần đến xã Bình Châu; những vòm cây đầy bóng mát của khu rừng nguyên sinh hoang dã trong khuôn viên Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu. 
 
Thì ra chúng ta đã được hít thở khí trời trong sạch từ biển, lọc qua rừng, thêm chút hương thơm hoa đồng cỏ nội; được ngắm nhìn màu xanh của biển, sắc tươi hồng của hoa lá, bãi cát trắng nhấp nhô của thủy triều, của các công trình tạo mảng xanh xung quanh ta mỗi ngày như một người giàu có trong ngôi nhà thiên nhiên của vùng đất “trời cho” có cả biển thắm, rừng xanh và những thành phố bé nhỏ sạch sẽ, tinh tươm. Để có được bức tranh BR-VT tươi mát như hôm nay, công bằng mà nói, đã có sự góp công, góp sức của từng con người, từng  hộ gia đình, của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong khâu tổ chức, quy hoạch, quản lý đô thị, trong một lộ trình liên tục, không ngơi nghỉ gìn giữ, bảo vệ tôn tạo mảng xanh thiên nhiên. Sự tinh tươm không thể có được ngày một ngày hai, mà là cả một quá trình gầy dựng và vun đắp. Điều đó được hình thành từ nhận thức, từ định hướng, trở thành chủ trương của cả tỉnh trong thời gian qua; đồng thời trải qua nhiều bước gian khó của từng địa phương và của toàn tỉnh trong việc triển khai thực hiện. Trong đó, câu chuyện trả lại cho bờ biển Vũng Tàu xanh – sạch – đẹp sau nhiều năm tích cực vào cuộc của nhân dân, chính quyền địa phương là một ví dụ điển hình. 
 
Tất nhiên, đây đó trong bức tranh tươi vui, nhiều sắc màu của mảng xanh và đô thị BR-VT cũng còn có những mảng xám đến từ các khu mua bán, dịch vụ lấn chiếm không gian công cộng; khu dân cư ven kênh, rạch làm nghề sơ chế hải sản ngập ngụa rác sinh hoạt và phế phẩm của quá trình sơ chế; những làng nghề cá ven biển chưa kiểm soát được nước xả thải; những đoạn bờ biển, cảng cá ứ đọng túi ni lông, chai nhựa, phế liệu từ mua bán hải sản tươi, từ các công đoạn đóng sửa tàu thuyền... Đó là những góc khuất cần được sớm thắp lên ngọn nến của ý chí và trí tuệ của những giải pháp quyết liệt quét sạch rác và những chất phế thải theo đúng nghĩa đen của nó. 
 
Trời cho là lợi thế. Nhưng gìn giữ và phát huy được lợi thế chính là bản lĩnh. Cảm nhận được những giá trị vốn có từ mảnh đất đầy ưu đãi từ thiên nhiên và hiểu đúng về tầm vóc của nó, tôi tin rằng, mỗi người dân, mỗi đơn vị sản xuất, mỗi doanh nghiệp đang làm ra của cải vật chất cho xã hội, cũng sẽ dành ra một góc tư duy của riêng mình để cùng chính quyền địa phương giữ gìn, vun đắp, tôn tạo không gian sống xung quanh ta thêm màu xanh, thêm sự trong lành. Và, tôi vẫn tin rằng, BR-VT trong trái tim của du khách, luôn là điểm đến để thưởng thức không gian đẹp, môi trường sống văn minh, hiện đại trong từng ngóc ngách phố phường. Và cả đến để… thở cùng lá phổi thiên nhiên biển trong lành như bạn tôi ao ước. 
 
THÁI AN
.
.
.