"Nới dài cần câu" trao cho người nghèo
Theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam, từ ngày 1-3, NHCSXH Việt Nam đã nâng mức cho vay từ 50 triệu đồng/hộ lên tối đa 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay thuộc các chương trình cho vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong từng thời kỳ và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, nâng thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng của chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Thông điệp trên của NHCSXH Việt Nam thực sự là tin vui đối với các hộ vay vốn tại NHCSXH. Bởi, vốn là một trong các điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch sản xuất, phương án tổ chức làm ăn, tạo ra thu nhập cho kinh tế gia đình. Đối với các hộ khó khăn, không có tài sản thế chấp để vay vốn tại các ngân hàng thương mại, việc NHCSXH nâng mức cho vay đã giúp cho họ có đủ vốn, đủ thời gian để đầu tư sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh BR-VT có mạng lưới giao dịch hoạt động rộng khắp, bao phủ kín 82 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trong năm 2018, nguồn vốn của Chi nhánh đã đến với 9.852 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn để kinh doanh thương mại - dịch vụ, đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Đến đầu tháng 3-2019, tổng dư nợ các chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tại Chi nhánh gần 684 tỷ đồng. Với việc tổ chức thực hiện Quyết định số 12/QĐ-HĐQT của NHCSXH Việt Nam, chắc chắn rằng, dư nợ các chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh BR-VT sẽ tăng nhanh.
Thời gian qua, tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo liên quan tới vấn đề thực hiện chế độ, chính sách đối với đồng bào nghèo, hỗ trợ hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn trên địa bàn tỉnh, thường nêu rõ định hướng “trao cần câu giúp họ tự câu cá”. Nghĩa là, chỉ thực hiện cứu trợ trong trường hợp đột xuất, cấp thiết, còn kế sách lâu dài là tổ chức tốt việc hỗ trợ về vốn, kỹ thuật sản xuất để họ tự tổ chức làm ăn theo năng lực từng hộ gia đình, phù hợp với tình trạng đất đai thổ nhưỡng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa bàn họ sinh sống.
Câu chuyện NHCSXH Việt Nam vừa nâng mức cho vay, thời hạn cho vay lên gấp 2 lần được đánh giá là động thái “nới dài chiếc cần câu” đã trao cho người nghèo để giúp họ có thêm cơ hội “câu được cá” nhiều hơn, ngon hơn. Tuy nhiên, kéo theo đó là việc tăng cường quản lý hộ vay trả nợ đúng hạn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Để giải quyết vấn đề này, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với các ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương trong việc bình xét cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Đồng thời, NHCSXH và chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người vay vốn về kỹ thuật canh tác, xây dựng mô hình sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, kỹ năng trong kinh doanh thương mại, làm dịch vụ; phối hợp với các cơ sở dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp tổ chức dạy các nghề phù hợp với đặc thù sinh hoạt, đời sống hàng ngày của người vay vốn ở từng địa bàn để phát triển ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm, tạo ra thu nhập… Có như vậy, mới giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới.
NHỰT THANH