Quản việc tăng giá xe dịp Tết!
Tiếng chuông điện thoại đường dây nóng số 0254.3.533.533 của Báo Bà Rịa-Vũng Tàu reo vang. Từ đầu dây bên kia, một bạn đọc xưng tên Nguyễn Bá Quân có số ĐTDĐ 0917.526.429, phản ánh: Hiện nay, các nhà xe tuyến đường dài Bắc-Nam đang bán trước vé xe giáp Tết, nhưng giá quá cao. Cụ thể, tuyến Vũng Tàu-Hà Tĩnh đi trong khoảng thời gian từ ngày 24 đến 28 Tết có giá vé 1,6 triệu đồng/khách. Trong khi ngày bình thường chỉ là 600 ngàn đồng/khách. Như vậy, giá vé của tuyến hành trình này đã bị “đẩy” lên gần gấp 3 lần. Việc tăng giá “khủng” như vậy khiến những người có thu nhập thấp sẽ gặp khó khăn về tài chính nếu muốn về thăm quê dịp Tết này. “Mong sao cơ quan chức năng xem xét việc các nhà xe tăng giá vé với mức như vậy có phù hợp?”, bạn đọc này kiến nghị.
Đem câu chuyện trên trao đổi với một lãnh đạo của Sở Tài chính, vị này cho biết: Đã trở thành thông lệ, mỗi khi giáp Tết, nhu cầu người ở xa quê lâu ngày muốn về đoàn tụ với gia đình, hoặc đi thăm bà con, bạn bè tăng cao. Vì vậy, nhà xe tuyến đường dài phải tăng giá vé hay còn gọi là phụ thu thêm ở chuyến lượt đi, để bù đắp chi phí cho chuyến lượt về thường “chạy xe trống” không có khách. Trước thực tế này, hàng năm, Sở Tài chính phối hợp với Sở GT-VT đề xuất UBND tỉnh chấp thuận cho các hãng xe tăng giá vé lượt đi vào thời gian cận Tết so với ngày bình thường để bù đắp chi phí, việc tăng giá vé tối đa khoảng 40% và cũng chỉ trong thời gian ngắn. “Dịp Tết Kỷ Hợi 2019, đến thời điểm này, Sở Tài chính và Sở GT-VT chưa có đề xuất với UBND tỉnh vấn đề tăng giá vé xe Tết. Do đó, các nhà xe tự ý nâng giá vé xe Tết là vi phạm quy định về giá”, vị lãnh đạo Sở Tài chính nhấn mạnh.
Cần biết thêm, từ cuối tháng 10-2018 đến đầu năm 2019, giá xăng, dầu các loại đã liên tiếp giảm đến 6 lần. Theo đó, hiện giá xăng dầu so với cuối tháng 10-2018, có mức giảm 4.720 đồng/lít xăng E5RON92, giảm 4.830 đồng/lít xăng RON95-III, dầu diesel 0.05S giảm 3.790 đồng/lít. Còn nếu so với đầu năm 2018, thì giá xăng, dầu đầu năm 2019 đều thấp hơn 2.500-2.600 đồng/lít.
Theo lẽ thông thường trong kinh doanh, khi chi phí đầu vào giảm thì giá thành sản phẩm giảm nên giá bán cũng giảm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách thì điều này hiếm khi xảy ra. Cụ thể là, xăng dầu giảm giá từ tháng 10-2018 đến nay đã 6 lần, nhưng chưa có sự điều chỉnh giảm giá vận chuyển của xe khách đường dài, xe taxi!?
Nhưng theo giải thích của các DN kinh doanh vận tải, nếu thấy có thể điều chỉnh giá cước, các DN vẫn phải cần thời gian để chuẩn bị. Cụ thể, các DN vận tải phải làm thủ tục kê khai với Sở Tài chính, rồi sau một thời gian kê khai theo quy định mới được điều chỉnh giá cước. Mặt khác, các hãng taxi phải cài đặt lại đồng hồ tính tiền, bảng giá. Còn các đơn vị vận tải hành khách tuyến đường dài phải in lại vé và phát hành lại.
Cách giải thích theo kiểu trên là ngụy biện. Bởi trước đây, khi giá xăng- dầu tăng, các hãng taxi, DN vận tải lập tức tăng giá theo ngay. Còn việc xem xét kê khai điều chỉnh giảm giá theo kiểu “ầu ơ ví dầu” như trên là kế “hoãn binh”, chờ khi giá xăng – dầu nhích lên chút ít thì vịn vào đó để khỏi bàn chuyện giảm giá cước nữa. Như vậy là không chấp nhận được, không kinh doanh sòng phẳng với khách hàng.
Trở lại với câu chuyện vận chuyển hành khách dịp Tết Nguyên đán năm nay. Được biết, hôm qua 9-1, Sở GT-VT đã có Văn bản số 55/KH-SGTVT gửi các DN, HTX vận tải khách, bến tàu, bến xe khách: “Nghiêm cấm việc tự nâng giá vé. Việc tăng giá vé trong dịp Tết phải thực hiện đúng quy trình, quy định hiện hành”. Như vậy, việc các nhà xe bán vé (hoặc hành khách đăng ký danh sách và nộp tiền) trước ngày khởi hành cận Tết để chủ động cho chuyến hành trình sắp tới là cần thiết. Nhưng không thể “vô tư” tự ý nâng giá tới 266% như phản ảnh của ông Nguyễn Bá Quân nêu trên. Tết Nguyên đán hiện đã cận kề, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần quản chặt việc tăng giá vé xe Tết, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các DN vận tải và của hành khách, đồng thời phù hợp với mặt bằng giá của thị trường vận tải và giá xăng-dầu hiện nay.
NHỰT THANH