.

Vì mục tiêu lọt vào top 15 thế giới về nông nghiệp

Cập nhật: 16:54, 07/01/2019 (GMT+7)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu: Ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản phải vào top 10 của thế giới.

Phải phấn đấu trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản hàng đầu thế giới, là nơi sản xuất tôm lớn của thế giới. Tăng trưởng nông nghiệp (NN) phải đạt cao, ít nhất là 3%, xuất khẩu khoảng 42-43 tỷ USD.

Năm 2018, mặc dù phải chịu áp lực lớn từ sự cạnh tranh thị trường và sự giảm sút về giá thị trường thế giới của nhiều mặt hàng cây công nghiệp, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn có sự vươn lên mạnh mẽ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vượt ngưỡng 40 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017 (chỉ tiêu Chính phủ giao: 36-37 tỷ USD, chỉ tiêu Bộ NN&PTNT phấn đấu: 40 tỷ USD) đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với thị trường được mở rộng tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta đều tăng, điển hình là gạo, rau quả, cá tra, đồ gỗ và lâm sản. 

Nhìn vào những con số đạt được trong năm 2018 và nhất là những số liệu thống kê về xuất khẩu các mặt hàng nông sản vài năm gần đây (như: gạo, cà phê, tiêu … đều nằm ở top đầu của thế giới) chúng ta không nên ảo tưởng rằng các mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã giao nói trên là dễ dàng nằm trong tầm tay của ngành NN. Thực tế cho thấy, không chỉ khó khăn về giá cả và nhu cầu, các thị trường xuất khẩu lớn của nước ta ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Đơn cử như thị trường Trung Quốc, không chỉ nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng nông sản nhập khẩu, mà còn tăng cường quản lý và siết chặt chính sách mậu biên. Đối với thị trường Mỹ, Oasinhtơn vẫn duy trì và gia tăng các biện pháp bảo hộ thông qua việc áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng thủy sản của Việt Nam; tiếp tục chương trình thanh tra đối với cá da trơn theo đạo luật nông nghiệp và đang triển khai mạnh mẽ việc áp dụng một đạo luật khác đối với nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ có xuất xứ từ Việt Nam. Riêng thị trường châu Âu, cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn bị bỏ ngõ, đồng thời EU thực hiện dự thảo quy định mới về hạn mức các chất sử dụng trên sản phẩm giống cây trồng. 

Rõ ràng, trong bối cảnh đó, việc phấn đấu thực hiện mục tiêu lọt vào top 15 quốc gia có nền NN phát triển nhất trong 10 năm tới đối với ngành NN Việt Nam là điều không hề dễ dàng và chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn, vướng mắc.  Điều đó, đòi hỏi ngành NN nước ta phải có một chiến lược quy mô lớn, xứng tầm với tiềm năng và cần có những giải pháp cụ thể, sát hợp với thực tế của từng giai đoạn. Trước hết, cần khơi gợi được những khát vọng của dân tộc và ý thức vươn tới tầm cao của người nông dân. 70% dân số nước ta tham gia vào hoạt động sản xuất NN, do vậy, cần phải xác định đây là lực lượng nòng cốt trong sản xuất hàng hóa nông lâm sản. Từ đó, cần chú trọng tập huấn, bổ sung kiến thức khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và bảo đảm các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển NN công nghệ cao phải là một  xu hướng tất yếu của sản xuất NN. Để NN công nghệ cao của  nước ta phát triển, ngoài việc áp dụng những tiến bộ của khoa học và công nghệ, thì việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này cần phải được ưu tiên hàng đầu. Phấn đấu đến năm 2020, mỗi tỉnh có ít nhất 10 DN, 10 vùng sản xuất NN và mỗi vùng sinh thái có 1-2 khu NN công nghệ cao, góp phần đưa tỷ trọng giá trị sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao chiếm ít nhất 25% tổng giá trị sản xuất NN của cả nước.

HOÀNG LÊ

.
.
.