"Giải cứu" nhà tái định cư
Nhiều tỉnh thành trong cả nước đang có tình trạng dư thừa khá lớn số nhà đất tái định cư (TĐC) do những căn hộ, nền đất này không đáp ứng được nhu cầu “an cư lạc nghiệp” của người dân vùng quy hoạch giải tỏa.
Kết thúc năm 2018, tại 2 đô thị lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh số căn hộ, nền đất phục vụ TĐC bị bỏ hoang lên đến hàng chục ngàn trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân ở những nơi này lại rất lớn. Số căn hộ, nền đất TĐC “tồn đọng” ở các tỉnh thành cũng không ít. Tại BR-VT, sau nhiều năm triển khai nhiều khu TĐC vẫn là những bãi đất trống hoặc chỉ là những dãy nhà xây thô để hoang, không người ở mà nguyên nhân chính là do phương thức đầu tư, địa điểm, thiết kế công trình không phù hợp với phong tục tập quán, giao thông, nhu cầu, điều kiện kinh tế… của người dân.
Vấn đề giải toả, di dời, TĐC là không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển. Tuy nhiên thời gian qua, chính sách di dời, TĐC của các địa phương còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân vì thế chưa tạo ra sự đồng thuận và ủng hộ đối với các dự án phát triển.
Một trong những nguyên nhân quan trọng chính là do các chính sách TĐC chưa thật sự quan tâm đến những “chi phí vô hình” mà người dân trong diện TĐC gặp phải và chưa thật sự chăm lo cho cuộc sống hậu TĐC. Điều duy nhất mà các dự án quan tâm là chỗ ở mới, còn những yếu tố không kém phần quan trọng khác như việc làm, bệnh viện, trường học, chợ, sinh hoạt văn hoá, quan hệ cộng đồng đều bị bỏ ngỏ. Nhưng, ngay như chất lượng nhà TĐC cũng có vấn đề: hư hỏng, xuống cấp nhanh, nước sinh hoạt lúc có lúc không... Điều đó khiến nhà TĐC không đạt được mục đích tốt đẹp như mong muốn.
Một chính sách TĐC không có sự khảo sát, điều tra xã hội học, không tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng người dân vùng quy hoạch giải tỏa, từ đó tính toán được nhu cầu thực tế thì chính sách ấy khó thành công. Thực tế cho thấy sau khi được bố trí vào các căn hộ TĐC, mọi thứ liên quan đến cuộc sống của người dân như nhà ở, việc làm, tiện ích, quan hệ, sinh hoạt... đều bị đảo lộn, không ít hộ gặp khó khăn do không kiếm được việc làm hoặc thu nhập bị thấp hơn so với trước khi TĐC. Đây chính là những chi phí, những tổn thất vô hình mà người dân TĐC phải gánh chịu bên cạnh những mất mát về nhà cửa, đất đai. Đó là chưa kể những thiệt hại khác mà người dân TĐC có thể gặp phải như cư dân tại chỗ các khu TĐC không thân thiện, không có những nét tương đồng về văn hoá; Những khó khăn về công ăn việc làm nơi ở mới có thể khiến người dân TĐC khai thác đến mức kiệt quệ tài nguyên môi trường để sinh tồn, gây nên những hậu quả hết sức tai hại về môi trường.
Bài toán hóc búa với nhiều địa phương hiện nay là làm sao để “giải cứu” hàng ngàn căn hộ TĐC ế thừa mà người dân từ chối không vào ở. Chủ trương đấu giá nhà TĐC theo giá thị trường hoặc chuyển sang nhà ở thương mại giá rẻ thì vẫn còn dẫm chân tại chỗ vì các chính sách liên quan còn chưa rõ ràng. Giải pháp được nhiều chuyên gia và cơ quan chức năng cho là tối ưu hơn cả là nhanh chóng chuyển nhà TĐC thành nhà ở xã hội để người dân gần đó, hoặc CBCC khó khăn về nhà ở mua hoặc thuê giá rẻ, vừa giúp an dân vừa tránh lãng phí kéo dài.
Nhà ở không chỉ là nơi chốn để đi về, tá túc qua đêm mà còn liên quan mật thiết đến vấn đề mưu sinh và nhiều nhu cầu quan trọng khác. Do vậy, cái mà người dân cần là chính sách TĐC đúng chứ không phải là nhà TĐC do nhà đầu tư dự án xây sẵn. Giải pháp tốt nhất là để cho thị trường tự giải quyết vấn đề TĐC. Nghĩa là người dân có quyền từ chối nhà TĐC xây sẵn, có quyền chọn một căn nhà khác theo ý mình, chỉ cần chính quyền, DN bảo đảm việc tính giá đất bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và TĐC sát với giá thị trường.
NGUYỄN TRIỆU HẢI