Giám sát đạo đức người lái xe
Tuyên bố của “tư lệnh” ngành giao thông vận tải chắc chắn có liên quan đến vụ xe container gây tai nạn thảm khốc
tại Long An, cướp đi sinh mạng của 4 người, làm bị thương hàng chục người, tấn thảm kịch có nguyên nhân từ việc tài xế sử dụng rượu bia và “chơi” ma túy.
Vấn đề đạo đức người lái xe được dư luận cảnh báo từ nhiều năm nay nhưng đã không được quan tâm đúng mức. Một thống kê năm 2012 cho biết, cả nước có hơn 30% tài xế xe container (bằng lái FC) dương tính với ma túy; Năm 2014, Bộ GT-VT cũng báo động trước dư luận khi phát hiện có gần 500 lái xe tải nghiện ma túy khi đi khám sức khỏe. Nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc do các “hung thần” container, xe siêu trường, siêu trọng gây ra mà nguyên nhân là do lái xe uống nhiều rượu bia và phê ma túy. Có thể nói đây là “điểm đen” trong ý thức của những lái xe thiếu đạo đức nghề nghiệp, của các doanh nghiệp ép lái xe làm việc quá giờ. Vì lợi nhuận và cả thiếu trách nhiệm, một số doanh nghiệp biết tài xế sử dụng ma túy nhưng vẫn cứ thuê. Đáng tiếc, sau mỗi vụ tai nạn nghiêm trọng, trước sự bức xúc và giận dữ của dư luận, cơ quan chức năng cam kết sẽ tăng cường thanh tra, siết chặt đào tạo và sát hạch lái xe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song rồi đâu lại vào đấy.
Mỗi một phương tiện lưu thông trên đường, được điều khiển bởi một “ma men” hoặc một con nghiện đều có thể là “cỗ máy” giết người hàng loạt, nhất là khi nó gây tai nạn liên hoàn như vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra ở Long An. Để tình trạng này xảy ra có một phần trách nhiệm của lực lượng chức năng.
Để giám sát đạo đức người lái xe có hiệu quả, có nhiều việc phải làm và việc cần làm trước mắt là tổ chức kiểm tra nhanh ma túy đối với tất cả tài xế, trong đó đặc biệt chú ý lái xe khách đường dài, lái xe container, xe tải nặng, kịp thời phát hiện và loại bỏ ngay lập tức những lái xe sử dụng ma túy. Về lâu dài, việc tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn nâng cao đạo đức, trách nhiệm, kỹ thuật, kỹ năng cho tài xế cần được tiến hành thường xuyên cùng với việc kiểm tra đột xuất về giấy phép lái xe, giấy khám sức khỏe, không đợi khi tai nạn nghiêm trọng xảy ra mới “giật mình” vào cuộc. Không thể viện lý do chưa có đủ chuyên môn về y tế và không có dụng cụ lấy mẫu để tiến hành kiểm tra đối với hành vi sử dụng chất gây nghiện của lái xe để rồi bỏ qua nhiệm vụ quan trọng này.
Ngoài các biện pháp giáo dục, truyền thông thì chế tài xử phạt cương quyết, mang tính răn đe cao đối với các hành vi vi phạm cũng là cách để giám sát đạo đức người lái xe.
Cũng đã đến lúc các doanh nghiệp vận tải siết chặt việc tuyển chọn, quản lý lái xe, không chỉ về năng lực, tuổi tác mà cả về mặt đạo đức. Những lái xe có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, hành vi côn đồ, nghiện ngập cần phải được loại bỏ. Những chủ doanh nghiệp vận tải có tài xế sử dụng ma túy, ép tài xế chạy quá giờ quy định cũng phải bị chế tài nghiêm khắc.
Lái xe là một nghề đặc thù, luôn đối diện với nhiều áp lực, tình huống hiểm nguy nên tâm sinh lý căng thẳng là điều dễ hiểu. Nhưng việc tìm đến ma túy như một “cứu cánh” chống mệt mỏi, gây “sảng khoái tinh thần” là một nhận thức sai lầm; Vì cơm áo gạo tiền nên phải dùng ma túy lại càng là một biện minh sai trái. Muốn tồn tại với nghề, trở thành “tay lái lụa”, vượt hàng trăm ngàn km mà chưa từng xảy ra tai nạn, người lái xe chỉ có thể rèn luyện tay nghề, nâng cao đạo đức nghề nghiệp.
Đạo đức nghề nghiệp luôn là bài học “vỡ lòng” đầu tiên của một lái xe trước khi chính thức bước vào nghề.