Để có một khu phố văn hóa
Những ngày cuối năm 2018, một đồng nghiệp của tôi đã có chuyến công tác xuyên Việt để tìm hiểu về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Anh cho biết một số thành phố, thị xã ở miền Trung hiện nay đã thay các cổng chào khu phố văn hóa (KPVH) hoành tráng bằng tấm biển nhỏ 30 x 25cm gắn ở đầu khu phố. Kinh phí để xây dựng một cổng chào KPVH lên đến hàng chục triệu đồng trong khi tấm biển nhỏ chỉ vài trăm ngàn đồng. Và anh chia sẻ, tiết kiệm cũng là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.
Năm 2018 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ của cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mà ở đó, bên cạnh việc xây dựng nếp sống văn hóa, người dân các khu phố đã kiên quyết chống các hành vi không văn hóa. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng quyết liệt chấn chỉnh những thiếu sót, yếu kém trong tổ chức thực hiện, các danh hiệu KPVH, gia đình văn hóa… không còn được trao tặng tràn lan như các năm trước. Nhiều tỉnh, thành ở miền Tây Nam bộ đã có sự rà soát mạnh mẽ,mạnh dạn thu hồi danh hiệu KPVH, gia đình văn hóa những nơi không thực chất, kịp thời chấn chỉnh những sai trái, vi phạm xảy ra trong các khu phố được công nhận KPVH. Nhờ đó, phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Ý nghĩa của việc xây dựng các KPVH là nhằm tăng cường tình làng nghĩa xóm, xây dựng cộng đồng dân cư văn minh, lịch sự. Tuy nhiên, những năm trước, việc xây dựng KPVH còn mang tính hình thức, việc đăng ký và thực hiện các tiêu chí văn hóa trên thực tế chỉ do một bộ phận người dân trong khu phố tự giác thực hiện. Kết quả là ở nhiều KPVH, phía sau cổng chào KPVH trang trọng lại tồn tại nhiều chuyện... không văn hóa như đánh lộn, bạo lực gia đình, số đề, ma túy, bài bạc, mại dâm, ô nhiễm môi trường, hàng quán ăn uống lấn chiếm hẻm, vỉa hè… ảnh hưởng đến đời sống văn hóa khu dân cư, nhất là trong việc giáo dục trẻ nhỏ. Tại những nơi này, vào thời điểm cuối năm, khi quận, huyện, thành phố, thị xã tổ chức các đoàn kiểm tra công nhận KPVH thì địa phương đối phó bằng cách dọn dẹp đường phố sạch sẽ, khang trang, chỉnh trang các tụ điểm văn hóa. Đây là kết quả tất yếu của căn bệnh thành tích, xây dựng KPVH theo quy trình ngược: cấp trên đặt ra chỉ tiêu, cấp dưới triển khai xây dựng khu phố theo chỉ tiêu đó, bất kể ý muốn của người dân như thế nào. Điều này khiến người dân không thể phát huy hết vai trò lẫn trách nhiệm trong việc góp sức xây dựng đời sống văn hóa, văn minh.
Năm 2019, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư sẽ tiếp tục được thực hiện. Để có một KPVH đúng nghĩa, bên cạnh những giải pháp nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trong quá trình thực hiện như việc lắp đặt thùng rác, khơi thông cống rãnh, nạn chiếm dụng lề đường để kinh doanh, vào thời điểm đầu năm, các xã, phường, thị trấn nên có những cuộc khảo sát ý kiến người dân về các tiêu chuẩn xây dựng một KPVH. Khu phố nào có trên 50% người dân đồng ý xây dựng KPVH thì cơ quan chức năng hãy đầu tư xây dựng KPVH thật sự văn hóa. Khi nhìn thấy những kết quả đạt được của khu phố nơi mình đang sinh sống như tình trạng vệ sinh môi trường được cải thiện, tệ nạn xã hội giảm hẳn, trật tự lòng lề đường đi vào nền nếp, tình làng nghĩa xóm được nâng lên… thì người dân lại càng có ý thức giữ gìn nếp sống văn hóa, tích cực tham gia việc xây dựng khu phố hơn.
Tất nhiên, để có một KPVH đúng nghĩa văn hóa, công tác kiểm tra, đánh giá, công nhận danh hiệu cần phải đươc tiến hành một cách thực chất, tránh chạy theo thành tích, nặng về hình thức, không có sự “du di” trong xét chuẩn các KPVH.
NGUYỄN TRIỆU HẢI