Để nghèo không còn là "bền vững"
Chưa đến 3 giờ chiều và mới chỉ là thứ Hai đầu tuần, vậy nhưng vợ chồng ông Dương Văn T. đã mỗi người một góc nhà và chìm đắm trong cơn ngủ vùi. Cả hai vợ chồng đều nằm ngay trên sàn gạch của căn nhà tuềnh toàng, không có vật dụng gì đáng giá, ngoại trừ một bộ bàn ghế nhựa vừa được nhà hảo tâm tặng. Vợ chồng ông Dương Văn T. thuộc diện hộ nghèo, là đồng bào dân tộc thiểu số, đang trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm ổn định. Ông T. làm nghề phụ hồ hoặc ai kêu gì làm nấy, vợ ông làm rẫy thuê, tùy theo mùa vụ mà có thu nhập từ một đến vài trăm ngàn đồng/ngày. Điều đáng nói ở đây, dù có sức khỏe, có cơ hội tìm kiếm việc làm, nhưng cả hai vợ chồng ông T. chỉ có mục đích kiếm đủ ăn trong ngày. Mới hết giờ trưa, ông T. đã kiếm bạn nhậu và lai rai sang tận chiều rồi ngủ vùi sau chầu nhậu. Mảnh vườn quanh nhà khá rộng, đất đai màu mỡ, nhưng ngoài vài trụ tiêu đã được trồng lâu năm, chỉ có cỏ hoang mọc lên tươi tốt.
Vợ anh T. nhoẻn cười không biết nói gì khi được hỏi sao không trồng thêm rau màu, thả vài đàn gà, vịt vừa có để ăn, cũng có thể bán kiếm thêm đồng ra, đồng vào... Hộ ông T. từng được chính quyền địa phương quan tâm đặc biệt, hỗ trợ cho vay vốn nhưng mãi vẫn thuộc diện nghèo “bền vững” do không tự lực vươn lên.
Một gia đình khác, trong quá khứ từng thuộc diện hộ nghèo chuẩn quốc gia, lại tự lực vươn lên như hoàn cảnh của Nguyễn Thị M.H. “Vào những năm 2000, khi em còn học phổ thông, nhà em lúc đó nghèo tới nỗi không có đủ cơm để ăn. Chị cả phải nghỉ học phụ ba mẹ em đi làm để lo cho 5 đứa em đang tuổi học hành và ba mẹ, chị luôn động viên các em cố để học mới thoát nghèo được...”. M.H. còn kể thêm, có lần, bạn được Huyện Đoàn đến tận nhà thăm và các anh chị đã xúc động mà nói rằng: “Học giỏi, nhưng không ngờ, nhà em ở tạm bợ quá, không khác gì cái chuồng heo...”. Bạn vừa học vừa làm trong suốt thời THPT và cả khi lên đại học để đỡ đần ba mẹ. Với sự trợ giúp từ chính quyền, đoàn thể, cùng nỗ lực của từng thành viên, gia đình bạn đã có cuộc sống dần ổn định hơn, khấm khá hơn. Bạn trẻ ấy, hiện giờ đã là một người trưởng thành, tốt nghiệp ĐH và có nghề nghiệp ổn định, có thu nhập được coi là “trong mơ” đối với nhiều người. Về sau này, bạn kể câu chuyện của mình một cách tự hào trên trang mạng xã hội, như muốn gửi gắm thông điệp về tinh thần tự thân để vượt qua nghịch cảnh, như thế mới bền!
Công bằng mà nói, BR-VT là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác giảm nghèo, khi luôn “về đích” sớm so với Nghị quyết đề ra trong các kỳ đại hội. Giai đoạn 2016-2020, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững, về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của tỉnh, đề án về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo của Trung ương, BR-VT còn nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn 1,2 lần mức chuẩn trợ cấp do Chính phủ quy định, nâng tiêu chí thu nhập cao hơn 1,7 lần mức chuẩn nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Đầu năm 2016, theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn quốc gia và hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn tỉnh là 21.407 hộ (chiếm 8,20% so với tổng số hộ dân). Sau 2 năm triển khai tiêu chí giảm nghèo đa chiều, đến nay, toàn tỉnh còn hơn 11.000 hộ nghèo (chiếm 4,3% so với tổng dân số).
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh vừa diễn ra, nhiều ý kiến thảo luận đã xoay quanh tình trạng làm thế nào để thoát nghèo bền vững. Bởi trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn sản xuất, thiếu đất canh tác, thiếu lao động, đông người ăn theo hoặc có người ốm đau và có một bộ phận nhỏ hộ nghèo (chiếm 0,33% hộ trên tổng số hộ nghèo) do lười lao động, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước.
Việc phân tích kỹ nguyên nhân dẫn đến nghèo nhằm mục đích đưa ra giải pháp sát sườn cho từng nhóm đối tượng. Nhưng khó nhất lại là làm thế nào để một bộ phận nhỏ hộ nghèo thoát ra được tâm lý ỷ lại, trong chờ vào chính sách của Nhà nước để không nghèo “bền vững“. Một cán bộ làm công tác giảm nghèo ở địa phương đã cho rằng, thật khó để giúp những hộ này vươn lên, khi họ chỉ tính đến chuyện rượu chè, chỉ cần có cơm ăn qua bữa... Quanh năm chờ các nhà hảo tâm đến tặng quà vào các dịp lễ, tết. Giờ muốn chuyển biến chắc phải chờ đến thế hệ con cháu, khi được hỗ trợ để học hành đến nơi đến chốn. Vậy nhưng, chờ là đến bao giờ và trong một gia đình như thế, liệu con cháu có tiến bộ hơn chăng?
Quay trở lại với 2 câu chuyện vừa kể ở trên, để thấy rằng, khi người nghèo chưa tự ý thức vươn lên (tất nhiên rằng, ở đây phải loại trừ những hoàn cảnh đã hết tuổi lao động, neo đơn, bệnh tật...) thì dù có cố nỗ lực đến mấy, đôi khi giải pháp của chính quyền đưa ra cũng phí hoài công sức.
Và dù thật khó đối với chính quyền cấp cơ sở thì vẫn có thể tìm ra giải pháp để làm, mà quan trọng nhất vẫn là truyền thông. Hiện nay, ngoài chính quyền cơ sở, khu phố, thôn, ấp, còn có các hội, đoàn thể ở địa phương mà hầu như không có ai không là thành viên của một trong những hội, đoàn thể ấy. Chúng ta nên phát huy sức mạnh của hội, đoàn thể trong tuyên truyền, giúp đỡ hội viên mình, thậm chí phân công người phụ trách từng hộ để làm thay đổi dần nhận thức, từ đó giúp chuyển biến hành vi. Đối với những hộ neo đơn, bệnh tật, quá tuổi lao động, ngoài sự chăm lo từ chính sách Nhà nước, có thể kêu gọi hình thức xã hội hóa để giúp đỡ lâu dài, có địa chỉ, giống như phong trào lâu nay Hội Chữ thập đỏ vẫn làm: Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo. Chúng ta cũng nên mạnh dạn, cương quyết loại bỏ khỏi danh sách hỗ trợ đối với những hộ nghèo đã được vay vốn, chuyển giao kỹ thuật, cây con giống nhưng... lười biếng, ỷ lại, không chịu vươn lên thoát nghèo.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” chỉ thành hiện thực khi chính đối tượng chịu tiến bước, không cố tình lùi để ở lại phía sau nhằm trục lợi chính sách dành cho hộ nghèo.
SƠN TRÀ