Sức nóng nghị trường
Điểm mới của hoạt động chất vấn lần này vào thời điểm giữa nhiệm kỳ diễn ra không theo nhóm vấn đề, không lựa chọn danh sách “cứng” người ngồi ghế “nóng” mà chất vấn tất cả thành viên Chính phủ. Những bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đều phải sẵn sàng trả lời ngay tức thì trước Quốc hội và cử tri. Ngày 30-10, ngày chất vấn nghị trường đầu tiên như nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là “một ngày làm việc sôi động”, khi có 36 đại biểu nêu câu hỏi, 23 đại biểu tranh luận, 15 bộ trưởng và 2 trưởng ngành là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đăng đàn. 2 ngày chất vấn tiếp theo, phiên chất vấn tiếp tục sôi động với nhiều câu hỏi, nhiều tranh luận và phản biện về hàng loạt vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước.
Sức “nóng” nghị trường còn thể hiện rất rõ, khi gần như tất cả các vấn đề bức xúc mà cuộc sống người dân đặt ra, được xã hội quan tâm đều được bày lên bàn nghị sự của Quốc hội, không né tránh, được hỏi thẳng thắn, chất vấn đến tận cùng, khi có thể. Đại biểu Quốc hội đưa vụ đổi 100 USD, bị phạt 90 triệu đồng, khám xét tiệm vàng và nhà riêng đương sự ở TP. Cần Thơ và hỏi thẳng Bộ trưởng Bộ Công an, như vậy là đúng hay sai? Sau khi Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tóm tắt diễn biến vụ việc và cho rằng, địa phương thực thi đúng quy định của pháp luật, việc xử phạt cũng đã hoàn tất, các đương sự không có ai khiếu nại. Dường như sự giải đáp của ngành chức năng chưa làm an lòng sự bức xúc của dư luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chốt lại:“Đây là việc người dân đi đổi tiền chứ không phải cửa hàng chủ động kinh doanh ngoại tệ. Việc khám nhà cũng phải đúng quy định, đúng thời gian. Dù người dân có vi phạm nhưng ngân hàng cần xem xét, sửa lại quy định xử phạt hành chính cho hợp lý. Thực hiện đúng pháp luật nhưng cái gì chưa đúng, chưa hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ (!)”.
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, việc thiếu giáo viên, cải tiến sách giáo khoa chưa đến đầu đến đũa, gian lận thi cử, dự thảo thông tri quản lý sinh viên trong các trường đại học, nhất là đại học sư phạm… được nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT xoáy sâu, tranh luận. Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa nghiệm thu đưa vào sử dụng đã hỏng nặng, tại sao? Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, xây dựng nhà trái phép, chiếm đoạt đất công, bao gồm cả đất quốc phòng ở Hải Phòng, rừng phòng hộ ở Sóc Sơn (Hà Nội); Tập đoàn Mường Thanh liên tục vi phạm xây các tòa nhà vượt phép; chậm trễ xử lý sai phạm tòa nhà số 8 B. Lê Trực (Hà Nội) và một số vụ việc khác, các bộ, ngành, địa phương cam kết xử lý nhưng tốc độ xử lý chậm, sức ì lớn, dậm chân tại chỗ… như là sự thách thức quyền năng của chính quyền. Chung quanh vấn đề đầu tư công, chống thất thoát lãng phí; bảo vệ môi trường; xây dựng nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh), xây dựng nông thôn mới; về chính sách xã hội, chính sách đối với người có công, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; những lỗ hổng về quản lý an ninh mạng; việc thực thi pháp luật ở không ít lĩnh vực chưa nghiêm… được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn và cũng đã được các “tư lệnh ngành” trả lời. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự đầy đủ các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ đã trực tiếp đăng đàn trả lời một số câu hỏi, phân tích, lý giải và có cả phản biện những vấn đề “nóng” mà đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội đặt ra.
Có thể thấy rõ, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tiếp tục là kỳ họp của thật sự đổi mới, dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm cao, trực tiếp bàn thảo, xem xét, quyết định các vấn đề đại sự - quốc kế dân sinh. Diễn biến của kỳ họp Quốc hội càng cho thấy, các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành đều phải am hiểu sâu sắc các lĩnh vực mình phụ trách. Với phương thức hỏi nhanh, đáp gọn, đi thẳng vào các vấn đề “nóng”, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn thực sự là cuộc kiểm tra, sát hạch năng lực tổ chức hành động các cán bộ công quyền, dân cử. Lề lối của các bộ trưởng nào đó trả lời chất vấn vòng vo, đọc bản báo cáo sẵn do người khác chuẩn bị sẵn không còn đất trú chân tại một nghị trường đổi mới, thẳng thắn và dân chủ. Tất cả đều được đưa lên bàn nghị sự, có những vấn đề đã rõ, Chủ tịch Quốc Hội và Thủ tướng Chính phủ đã có ngay ý kiến chỉ đạo. Cử tri và nhân dân cả nước, trong đó có cử tri và nhân dân BR-VT đặt niềm tin cao, rất kỳ vọng những quyết sách mà Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đưa ra.
HẢI VÂN