.

Nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật

Cập nhật: 16:42, 07/11/2018 (GMT+7)

Ngày 9-11 hàng năm là “Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” theo quy định tại Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật số 14/2012/QH13. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý Nhà nước và mọi mặt đời sống xã hội; giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng, bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật.

Tính từ khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2013, năm nay là năm thứ 6 triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” trong bối cảnh nước ta đang tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Do đó, vấn đề tuân thủ triệt để Hiến pháp trong xây dựng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cần phải được tiếp tục đặc biệt chú trọng.

Thực tế cho thấy, đời sống xã hội luôn vận động phát triển, có những quy định pháp luật được xây dựng trước đây nay không còn phù hợp với thực tiễn, cần sớm sửa đổi, bổ sung, cụ thể như: Trong lĩnh vực quản lý tiền tệ, còn thiếu quy định về định lượng xử phạt vi phạm hành chính, hiện tại, chỉ cần thực hiện hành vi mua bán trái phép ngoại tệ dù chỉ 1 USD hay lên tới hàng chục ngàn USD đều bị xử phạt như nhau từ 80-100 triệu đồng. Trong công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá cũng bộc lộ sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật, trong khi Nghị định số 124/2015 quy định hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên sẽ không xử phạt hành chính mà chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự, còn Bộ luật Hình sự 2015 thì quy định buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao trở lên mới bị xử phạt tù…

Hướng tới Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam 9-11 năm nay, UBND tỉnh BR-VT đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đến mọi đối tượng, thời gian thực hiện kéo dài từ ngày 1-10 đến ngày 11-11. Trong khoảng thời gian này, các cơ quan tư pháp, hành pháp, các cơ quan hành chính, tổ chức hội, đoàn thể chính trị, đơn vị lực lượng vũ trang tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật về các quyền, nghĩa vụ của công dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; vận động người dân, DN nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác xây dựng, phổ biến giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực thi pháp luật…

“Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” không chỉ là khẩu hiệu, một thông điệp mà phải xem đây là phương châm hành động xuyên suốt của mỗi tổ chức, cá nhân trong đời sống xã hội. Qua đó, hình thành, xây dựng và củng cố văn hóa pháp lý trong mọi hành vi, trong các mối quan hệ hàng ngày. Tinh thần thượng tôn pháp luật không chỉ là chấp hành nghiêm những quy định liên quan tới chủ trương, chính sách lớn ở tầm vĩ mô, mà đó còn là sự điều chỉnh hành vi của mỗi người từ những việc nhỏ như: Không xả rác bừa bãi, không hút thuốc lá nơi công cộng, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi vừa uống rượu, bia…

Tăng cường công tác xây dựng, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và thực thi tốt quy định pháp luật để đáp ứng yêu cầu xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”; giúp cho những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước kịp thời đến gần với người dân hơn và đi vào thực tế cuộc sống, góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong từng giai đoạn, từng thời kỳ.

NHỰT THANH

.
.
.