"Vụ 100USD"- cái kết và những điều còn để ngỏ
Vụ “đổi 100USD” đã kết thúc có hậu. Chiều 5-11, chính quyền TP Cần Thơ đã thông báo quyết định miễn tiền phạt cho anh Cà Rê.
Anh Cà Rê (TP.Cần Thơ) có 100USD, đem ra tiệm vàng bán được 2.260.000 đồng thì bị nhà chức trách xử phạt 90 triệu đồng, bằng mức phạt đối với việc mua bán trái phép hàng trăm ngàn USD. Cách hành xử của nhà chức trách khiến cho không chỉ anh Cà Rê mà dư luận cũng phải “choáng” và có người gọi đó là “sự hài hước” trong việc thi hành pháp luật.
Cả nước theo dõi vụ việc của anh Cà Rê chẳng khác nào một sự kiện nổi bật bởi vì tuy chỉ là một trường hợp cá biệt, tờ 100USD cũng là vật nhỏ nhoi, nhưng diễn biến của sự việc lại gây tác động lớn. Tác động gì? Đó là nó làm lộ ra khiếm khuyết của một chính sách hiện hành và nó buộc chính sách ấy phải thay đổi. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội (QH) khoá XIV đang diễn ra, Chủ tịch QH và Thủ tướng Chính phủ đều đã chỉ đạo “sửa những quy định bất hợp lý cho dân nhờ”. Sau đó, trong buổi họp báo chiều 29-10 tại Hà Nội, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, bộ này sẽ tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sửa hoặc thay thế Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng theo hướng quy định có nhiều mức phạt khác nhau dựa trên số lượng và giá trị ngoại tệ giao dịch trái phép, chứ không để chung một mức phạt như hiện nay.
Anh Cà Rê đã gặp hên, vì “vụ đổi 100USD” của anh xảy ra đúng lúc QH họp, truyền thông đưa vụ việc này vào hội trường và lập tức được các đại biểu, các nhà lãnh đạo QH, Chính phủ quan tâm. Nếu sự việc xảy ra ở thời điểm khác, thật khó có thể đưa ra kết luận chóng vánh như vậy. Giới truyền thông hay dùng chữ “sức nóng nghị trường” để mô tả việc QH thảo luận và quyết định về những vấn đề thời sự lớn của đất nước. Còn đây, chuyện 100USD của anh Cà Rê dù không nhỏ - không nhỏ vì nó đã khiến phải sửa chữa một chính sách tiền tệ của quốc gia – nhưng xuất phát của nó cũng là chuyện cá biệt, mà cũng được QH quan tâm, điều đó làm cử tri nhận thấy hoạt động của QH thân thiện, gần gũi với dân hơn.
Nhưng Nghị định 96/2014/NĐ-CP nếu được sửa, thì đó cũng mới là một việc “ví dụ”, bởi hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề về chất lượng xây dựng các văn bản trong nền hành chính của ta. Chẳng hạn, cũng tại kỳ họp thứ 6 QH khoá XIV đang diễn ra, các đại biểu đã phản ứng với quy định của Bộ GD-ĐT về việc đuổi học sinh viên 4 lần bán dâm. Trước nữa, đã từng có những quy định về người thấp bé nhẹ cân không được lái xe máy, hay các Mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học được cộng điểm ưu tiên… Đại biểu QH Quách Thế Tán (Hòa Bình) dẫn báo cáo cho thấy năm 2017 có 5.639 văn bản ban hành trái luật và không đúng thẩm quyền. Đấy là những văn bản nào, chúng gây hại cho kinh tế - xã hội, cho môi trường kinh doanh, cho người dân ra sao, những ngành, những cơ quan ban hành các văn bản đó có bị xử lý không.v.v… Những câu hỏi đó vẫn đang còn để ngỏ.
HẢI THANH