Chung tay!
Những bức ảnh về núi rác với tất cả những chai lọ, bao nilon, kim tiêm… được móc lên từ lòng cống của một tuyến đường khu trung tâm TP.Hồ Chí Minh đã trở thành đề tài tranh luận khá sôi nổi trong tiết học Sinh học lớp 12 tại một trường THPT ở TP.Vũng Tàu hồi đầu tuần này.
Đây chỉ là phần mở rộng trong phương pháp giảng dạy tích hợp mà giáo viên của trường đã vận dụng khi giảng phần Sinh thái học về nội dung “Cơ thể và bảo vệ môi trường”. Nhìn bức ảnh đống chai lọ chất ngất và dòng nước đen rỉ chảy ra từ đống phế thải được chiếu cận cảnh trên màn hình, bất chợt một số học sinh đưa tay lên… bịt mũi. Nhiều em đồng thanh la lên “không thể tin được!”, “sao lại có thể quẳng cái chai nước ngọt to đùng như vậy xuống cống!”. Nhưng rồi cũng có một học sinh dũng cảm “liên hệ bản thân”: “Em thì tin đây là sự thật. Vì khi còn nhỏ, hay ngồi sau lưng mẹ chở đến trường, em cũng đã vô ý quăng những vỏ hộp sữa tươi xuống mặt đường sau khi đã uống hết sữa”. “Em cũng từng đổ bỏ bã chè và vỏ hến ra đầu cống cạnh nhà”, một nữ sinh khác lên tiếng. “Em thì không ngờ là túi rác sinh hoạt của nhà mình do không cột miệng nên sau một đêm mưa đã trôi về miệng cống và đổ toang thức ăn thừa, rác thải ra, chặn cả đường thoát nước mưa”, một học sinh khác thú nhận. Nhiều ý kiến khác liên hệ thực tế: Hầu như các quán ăn vỉa hè của chúng ta đều đổ bỏ thức ăn thừa xuống cống; Các xe bán trái cây, thức ăn đường phố sau khi “rút quân” đã để lại không ít bịch rác đủ các loại, từ que tre, giấy lau đến bịch nilon, hộp xốp đựng nước sốt, tương ớt, tương cà; Các tiệm sửa xe thậm chí cũng đổ bỏ nhớt thải đen kịt xuống cống; Hành lang, thang máy, mái nhà của các tầng khu chung cư cũng luôn đầy túi nilon, vỏ lon sữa, vỏ chai nước suối, thậm chí quần áo, giày dép… Như trào lưu Confession đang thịnh hành trên mạng xã hội Facebook, sau những phút giây “tự thú”, “chia sẻ bí mật” về những việc làm “chưa đẹp”, về những hành vi “xử tệ” với môi trường, các bạn học sinh – chủ nhân tương lai của một thành phố du lịch này “ký một bản thỏa ước” với giáo viên về việc từ bỏ hành vi xâm hại đến môi trường, trước hết là từ việc ngừng xả rác và khuyến khích bạn bè, gia đình, lối xóm không xả rác ra môi trường.
Câu chuyện giáo dục người dân gắn kết bảo vệ môi trường (BVMT) được báo chí phân tích rất nhiều với những ví dụ minh họa sinh động. Trong đó, vai trò của giáo dục và truyền thông hiệu quả đến mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi tập thể người lao động và trong cộng đồng dân cư về cách cư xử với môi trường sống luôn được nhấn mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng, giờ học ở nhà trường lồng ghép giáo dục BVMT là một cách vận dụng hết sức linh hoạt của một giáo viên, với trách nhiệm của một người làm công tác giáo dục, truyền thụ cả kiến thức khoa học lẫn ý thức, lối sống cho học sinh. Những giờ giảng như vậy đã gieo vào vùng ký ức của học sinh câu chuyện đáng nhớ về bài học BVMT. Và biến chúng thành hành động khi các em đứng trước hoàn cảnh “nên hay không nên”, “được phép hay không” trong một tích tắc quyết định của một hành vi “có hại cho môi trường”. Cách làm này rất đáng trân trọng và khuyến khích trong mỗi giờ học, mỗi giáo viên khi được đặt vào vai trò người thầy.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, bài học về môi trường được lồng ghép rất hay, nhưng không phải giáo viên nào cũng có khả năng vận dụng vào bài giảng một cách nhuần nhuyễn mà không sợ bị cháy giáo án. Cũng không phải tất cả các giáo viên trong các nhà trường đều có cơ hội và có khả năng vận dụng việc dạy lồng ghép, tích hợp giảng dạy BVMT vào giờ học. Chưa nói đến việc cần xác nhận, trách nhiệm về giáo dục BVMT không chỉ đặt lên vai người giáo viên. Không thể đòi hỏi và trông đợi duy nhất ở người thầy là kênh thông tin giáo huấn thế hệ trẻ những cách nghĩ đúng, cách làm hay cho con em của mỗi gia đình. Thế hệ trẻ phải được rèn dạy cách làm từ nếp nhà, được học hỏi ứng xử tốt với môi trường từ khu phố, từ những thưởng phạt nghiêm minh cho các hành vi trân trọng hoặc gây tác hại cho môi trường. Và để tạo nền tảng cho việc làm đúng còn phải được gầy dựng bởi cơ sở vật chất đủ để đáp ứng nhu cầu ngăn chặn hành vi dẫn đến làm tổn hại môi trường.
Một bài giảng, một cuộc chuyện trò tất nhiên sẽ tác động đến hành vi của những người tiếp nhận nội dung thông tin. Sự cổ vũ cho những không gian chuyện trò, chia sẻ, cập nhật thông tin về cách làm hay cũng có giá trị không nhỏ trong việc thay đổi nhận thức, lối sống. Người thầy ở trường, ông bà cha mẹ trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… nếu mỗi người chung một tay trong rèn dạy, trong nêu gương, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả thực tế cao hơn sự mong đợi, dù chỉ từ một việc rất nhỏ: không xả rác ra môi trường.
THÁI AN