.

Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng vốn

Cập nhật: 19:04, 26/09/2018 (GMT+7)

Thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) cho biết, đến đầu tháng 9-2018, có gần 1,5 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng ưu đãi tại NHCSXH, với tổng dư nợ cho vay 45.194 tỷ đồng, dư nợ bình quân 30,6 triệu đồng/hộ. Từ năm 2016 đến nay, vốn tín dụng CSXH đã góp phần giúp 236 ngàn hộ DTTS thoát nghèo, tạo việc làm cho gần 123 ngàn lao động (trong đó có hơn 2 ngàn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài), giúp hơn 32 ngàn học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ DTTS được vay vốn học tập, xây dựng hơn 784 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng hơn 19 ngàn căn nhà ở của đồng bào. 

Tại BR-VT, tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh NHCSXH tỉnh đối với hộ DTTS đến nay là 36 tỷ 372 triệu đồng/1.533 hộ (trong đó, nguồn vốn của NHCSXH 26 tỷ 641 triệu đồng/1.163 hộ, nguồn vốn của tỉnh ủy thác cho vay 9 tỷ 732 triệu đồng/370 hộ), theo 8 chương trình tín dụng CSXH, gồm: cho vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, học sinh - sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, nhà ở, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Bên cạnh đó, Chi nhánh cũng cho vay theo Nghị quyết 48 của HĐND tỉnh với dư nợ 368 triệu đồng/3 hộ DTTS (chăn nuôi dê, bò). 

Thực tế cho thấy, vốn tín dụng CSXH đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong vùng DTTS; hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo được việc làm, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tăng thu nhập, dần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội. Thông qua sử dụng vốn tín dụng CSXH, đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào DTTS tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội. 

Bên cạnh đó, với phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở (Hội Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh), chính quyền địa phương có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với đồng bào DTTS, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn của họ, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, nguồn vốn CSXH mới chỉ dừng lại ở một số chương trình tín dụng dành riêng cho hộ DTTS nghèo, chưa có chính sách tín dụng đặc thù dành riêng cho đồng bào DTTS. Hiện nay, hộ DTTS thụ hưởng các chương trình tín dụng CSXH với mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ, thời gian vay tối đa 5 năm, chưa đủ sức tạo tác động chuyển biến đột phá về phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực dân cư đồng bào DTTS. Do đó, NHCSXH cần xem xét mở rộng cho vay đối với hộ DTTS có mức sống trung bình trở lên, với mức vay có thể đến 100 triệu đồng/hộ, thời gian cho vay đến 10 năm để phù hợp dự án sản xuất, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, tạo động lực chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế trong vùng DTTS. 

Nhằm giúp cho hộ DTTS mạnh dạn vay vốn làm ăn và sử dụng vốn hiệu quả, trả nợ vay đúng hạn, nâng cao chất lượng tín dụng CSXH, thiết nghĩ, cần xây dựng quỹ khuyến nông, hỗ trợ khoa học kỹ thuật dành riêng cho đồng bào DTTS, xây dựng quỹ khởi nghiệp dành cho thanh niên là đồng bào DTTS. Theo đó, cơ quan quản lý quỹ sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện những giải pháp hỗ trợ người vay vốn biết cách làm ăn, áp dụng kỹ thuật canh tác mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi, cây trồng; tổ chức kinh doanh dịch vụ phù hợp với tập quán, điều kiện đời sống vùng đồng bào DTTS. 

NHỰT THANH

.
.
.