.

Trung thu yêu thương

Cập nhật: 16:07, 21/09/2018 (GMT+7)

Lại một mùa Trung thu nữa đang về!

Chuẩn bị đón Trung thu năm nay, trường tiểu học của con tôi phát động “Ngày hội làm lồng đèn” tặng bạn nghèo trong trường và trên địa bàn TP.Vũng Tàu. Cô chủ nhiệm thông báo cho phụ huynh qua ứng dụng tin nhắn zalo, kêu gọi đến trường vào sáng thứ Bảy để phụ làm lồng đèn. HS được huy động đến trường tham gia làm lồng đèn, coi như một buổi ngoại khóa.

Nhận được thông báo, các phụ huynh rộn ràng thảo luận, bàn nhau đưa con đến sớm phụ cô, hỏi nhau cần mang theo dụng cụ gì không. Buổi làm lồng đèn diễn ra vui vẻ. HS thích thú vì các em đến trường nhưng không phải để học văn hóa mà để được vui chơi, trau dồi thêm kỹ năng mới, lại còn được làm việc có ý nghĩa. Kết thúc chương trình, cô giáo chủ nhiệm nhắn cho các phụ huynh: “Cô xin cảm ơn các con và ba mẹ đã hỗ trợ tích cực để các con có một buổi trải nghiệm bổ ích”.

Tối 20-9, Ban quản lý Đường sách Vũng Tàu phối hợp các đơn vị đang hoạt động tại Đường sách và các mạnh thường quân tổ chức chường trình "Trung thu mơ ước 2018" cho 300 em thiếu nhi tại Trung tâm bảo trợ trẻ em Vũng Tàu, các lớp học tình thương trên địa bàn thành phố. Đến với chương trình, các em được tham gia nhiều hoạt động dành cho lứa tuổi mình như: Tô tượng, vẽ tranh, thiết kế lồng đèn, xem múa lân, rước đèn Trung thu và nhận những món quà đầy ý nghĩa là cặp sách, tập, lồng đèn, bánh Trung thu.

Đó là hai trong nhiều hoạt động đã và đang được các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, DN tổ chức cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh trong mùa Trung thu. Ngày nay, với các em được sống trong những gia đình bình thường, chiếc lồng đèn, chiếc bánh Trung thu và những món quà Trung thu có thể là những thứ rất đỗi bình thường, đương nhiên phải có, cũng như những món quà, bộ quần áo mới, bộ đồ dùng học tập mới tương ứng trong các dịp lễ, Tết, đầu năm học... Nhưng với những em có hoàn cảnh kém may mắn, đó là cả khung trời mơ ước. Bởi lẽ, nơi này, nơi kia vẫn còn nhiều em phải chịu thiệt thòi khi không được đón nhận đầy đủ sự chăm sóc, yêu thương của cha mẹ và gia đình. Hoặc do điều kiện kinh tế khó khăn, các em phải bươn chải, làm thêm để phụ giúp gia đình, thì làm gì có điều kiện mà mua quà, mua bánh và vui Trung thu.

Hiểu được điều này, chúng ta càng trân trọng hơn những tấm lòng thảo thơm đã chung tay góp sức nhằm mang đến cho các em một mùa Trung thu ý nghĩa, ấm áp tình thương. Nhiều nơi trong tỉnh, lực lượng đoàn viên thanh niên, công chức; chiến sĩ công an, bộ đội sau giờ làm việc đã tranh thủ cùng nhau làm lồng đèn bán gây quỹ để tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Có những em HS còn “mổ” heo đất góp tiền cùng trường, lớp lo Tết Trung thu cho bạn nghèo. Có những người chị, người anh, dù bận rộn và cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng vẫn đứng ra góp của, góp công và vận động bạn bè, cộng đồng lo cho trẻ em nghèo vui Tết Trung thu. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến tấm lòng vàng của các mạnh thường quân, các doanh nhân, DN trong dịp này.

Những món quà, những hoạt động vui hội Trung thu đậm tình yêu thương mà các cơ quan, đoàn thể, DN, mạnh thường quân mang đến cho trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn thật ý nghĩa biết bao! Những món quà, những hành động đẹp ấy đã gieo vào lòng các em niềm tin rằng cộng đồng xã hội luôn ở bên các em; là nguồn cổ vũ, động viên để các em cố gắng vươn lên vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, để sống tốt, thành người có ích. Để với các em, Trung thu là một mùa trăng đầy ắp tiếng cười và mỗi ngày trôi qua là một ngày tràn đầy tình yêu thương.

NGUYỄN ĐỨC

 

.
.
.