Gỡ "điểm nghẽn" trong sản xuất nông nghiệp
Chú Tư ở cạnh nhà ông bà ngoại tôi là một nông dân chất phác, hiền lành. Trên mảnh vườn 1ha đất được chú trồng mít Thái – một loại trái đang cho thu nhập cao hiện nay. Theo lời chú Tư, cây mít Thái có trái quanh năm, năng suất từ 100 – 150kg/cây/năm, với giá bán luôn ở mức từ 10-20.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 30-40.000 đồng/kg, vườn mít của chú Tư cho lãi 300 triệu đồng mỗi năm. Cứ đến đợt thu hoạch là thương lái tới tận vườn mua, chú cũng không mất công phải hái mít. Trong khi đó, chi phí trồng mít Thái không cao, công chăm sóc ít nên chú Tư cũng khá rảnh rang.
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như vụ mít Thái vừa rồi, khi về thăm ông bà ngoại tôi khá ngạc nhiên khi thấy cả gia đình chú Tư đang thu hoạch mít, chở từng xe ra chợ bán. Hỏi ra mới biết, những thương lái thường hay mua mít vườn của chú với phương thức “bao trọn” vườn. Tức là mua nguyên vườn trái và họ thích hái lúc nào thì hái. Mỗi đợt xuống thu gom họ hái cả mít già lẫn mít non. Bình thường chú Tư cũng ít để ý, nhưng một hôm chú tìm hiểu mới biết, thương lái gom hái một lần như vậy cho đỡ tốn chi phí, công sức đi lại nhiều lần. Sau khi thu hoạch những quả mít non ấy được họ “phù phép” cho chín bằng một loại hóa chất. Nghe xong, chú Tư nổi giận đùng đùng, tuyên bố không bán cho thương lái kiểu “bao vườn” nữa. Nhưng như vậy thì thương lái cũng không chịu mua lẻ tẻ. Thế là từ đó, cả nhà chú Tư phải thu hoạch mang ra chợ bán. Tuy nhiên sức mua ở chợ nông thôn không nhiều, vườn mít giảm lãi hơn một nửa. Chú Tư buồn lắm, nhưng chú vẫn phải trồng mít Thái vì chỉ với 1ha đất, hiện nay không có cây trồng nào khác mà ít đầu tư có thể cho lãi cao hơn.
Nhưng không phải nông dân nào cũng có “khí phách” như chú Tư, chịu thiệt chứ nhất định không để thương lái làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bởi chỉ có một phần đất nhỏ hẹp, nhiều nông dân khác vẫn phải xoay sở để lo cho cuộc sống, con cái học hành. Họ đành chấp nhận phụ thuộc vào thương lái. Thương lái quyết định giá cả, thời điểm thu mua, hình thức thu hoạch, thậm chí “ép giá” thấp. Trong khi đó, do ít thông tin về thị trường, nông dân đành phải chấp nhận.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp-nông dân-nông thôn do Tỉnh ủy tổ chức tuần qua cũng chỉ rõ, sản xuất nông nghiệp đang gặp phải những “điểm nghẽn” chưa giải quyết được. Nền nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thoát khỏi việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính quy hoạch, liên kết. Ngay trong thời điểm hiện nay, nhiều nông dân vẫn đang phải đối mặt với tình trạng nông sản rớt giá, sản xuất khó tiêu thụ, luôn phải phụ thuộc vào thương lái. Không những thế, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ mới và thông tin thị trường nông nghiệp của nông dân vẫn là khâu yếu... Cho nên vấn đề đặt ra hiện nay là phải tháo những “điểm nghẽn” này. Muốn vậy, nông dân phải liên kết lại, sản xuất hàng hóa, đi theo kinh tế thị trường, kiên quyết “nói không” với nông sản bẩn, thuốc BVTV. Để làm được điều này, Nhà nước phải đóng vai trò là “bà đỡ”, tạo được môi trường pháp lý tốt, chính sách ổn định, cung cấp thông tin dự báo về thị trường cho nông dân, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, đẩy mạnh liên kết 4 nhà. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ vào khâu chế biến nông sản, nhằm bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản hàng hóa, có thể cạnh tranh được trên thị trường, không rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa và thường xuyên phải “giải cứu” như thời gian vừa qua. Có như thế, những nông dân chất phác, hiền lành như chú Tư cũng không phải đơn độc trên mảnh vườn của mình.
NGÔ GIA