Bàn thêm về "điểm nghẽn" trong sản xuất nông nghiệp
Tuần rồi, tôi có dịp về quê Long An, đúng lúc bà con thu hoạch thanh long vụ mùa. 3, 4 giờ sáng thương lái đã đến chong đèn hái thanh long, thu gom vào nhà, phân loại, cẩn thận xếp từng lớp trái vào thùng. Chủ nhà chỉ việc ngồi uống trà, tào lao tám chuyện. Bao đời làm nghề nông, chưa bao giờ bà con nông dân quê tôi dám mơ có một ngày được như vậy. Hỏi ra mới hay, người trồng thanh long có 2 phương thức canh tác: Một là, tự chăm sóc vườn cây, đến ngày thu hoạch gọi thương lái đến mua theo giá thị trường, lời ăn lỗ chịu;
Hai là, bán mão vườn cây từ lúc mới ra hoa, thương lái tự lo chăm sóc, đến ngày thu hoạch cho nhân công đến cắt trái. Bán theo cách này nhà vườn ăn chắc không thua lỗ, cũng không nhọc công, nhưng có lúc phải tiếc hùi hụi vì bị hớ giá. Tuy nhiên, không hề có chuyện xích mích giữa thương lái và nhà vườn, bởi thương lái đa phần luôn muốn giữ mối mang nên làm ăn đàng hoàng. Họ sành kỹ thuật chăm sóc cây còn hơn nông dân. Họ biết rõ tiêu chuẩn xuất khẩu nên chăm sóc cây rất kỹ lưỡng, tới ngày thu hoạch 10 trái chín đều như 1. Mấy năm nay, người dân quê tôi lần lượt đổi đời nhờ cây thanh long. Hàng chục ngàn ha đất trồng lúa nay đã biến thành những vườn thanh long bạt ngàn. Nhà nông ra chợ cứ cười hơ hớ, chẳng thấy ai kêu giải cứu nông sản. Lý do là người trồng thanh long đã tìm được hướng đi đúng. Nông dân, thương lái và DN xuất khẩu thanh long đều biết cách nâng niu, giữ gìn thương hiệu cho sản phẩm của mình: Chăm sóc cây đúng kỹ thuật, không làm ăn gian dối, không “tham bát bỏ mâm” bơm hóa chất hay sử dụng thuốc tăng trưởng.
Chuyện của người trồng thanh long khiến tôi liên tưởng tới chuyện trồng chuối cấy mô của bà con nông dân BR-VT qua những thông tin chia sẻ của các chủ DN và thực tế sản xuất của bàn con nông dân. Vào thời điểm người trồng chuối cấy mô khóc ròng vì không tìm được đầu ra, thì có những DN phải năn nỉ nhà nhập khẩu cho điều chỉnh hợp đồng vì không đủ sản lượng để cung ứng theo hợp đồng đã ký. Tôi hỏi, sao không thu gom chuối của nông dân để bù vào sản lượng thiếu hụt. Chủ DN lắc đầu, đưa cho tôi xem nhánh chuối gần 20 quả to, đều tăm tắp và kể về quy trình trồng chuối công nghệ cao. Từng cây chuối đều có một lý lịch riêng, ghi rõ ngày xuống giống, ngày bón phân, tỷ lệ phân bón ra sao. Trong suốt quá trình sinh trưởng, cây được theo dõi sát sao, khi cây có vấn đề cần can thiệp hầu như người trồng chỉ điều chỉnh bằng phân bón hữu cơ. Công nghệ thu hoạch cũng rất công phu. Chỉ cần chặt sớm hay trễ 1 ngày là quày chuối cũng bị loại, vì nhà nhập khẩu không chấp nhận trong lô hàng có những nhánh chuối trái to hoặc nhỏ hơn quy chuẩn dù chỉ một phân! Trồng khoai lang xuất khẩu cũng công phu không kém, đặc biệt là kỹ thuật “siêu âm” củ, nhờ đó mà bất cứ lúc nào kỹ thuật viên cũng có thể đọc chính xác trọng lượng của từng củ khoai đang còn nằm dưới đất... Và, còn rất nhiều câu chuyện thú vị khác xung quanh việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản mà bà con nông dân mình chưa bao giờ nghĩ tới.
Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để có được cái bắt tay bền vững giữa nông dân và các chủ DN xuất khẩu nông sản trong khi nông dân quen làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, tùy tiện, còn DN thì cần diện tích lớn, kỹ thuật cao, chất lượng sản phẩm ổn định. Chủ DN không thể đi gõ cửa từng nhà nông dân để hướng dẫn họ cách làm và kiểm tra từng công đoạn. Vì vậy, DN cần một người đại diện để thay họ làm điều đó. Ở Long An, thương lái là trung gian cũng là người đại diện cho DN xuất khẩu và điều thuận lợi hơn là thanh long đã được trồng đại trà thành vùng chuyên canh. Còn ở BR-VT, chưa có loại cây nào được trồng chuyên canh, vậy nên, cần có những HTX đứng ra liên kết các hộ nông dân cùng sản xuất một loại hàng hóa và chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất, chuyển giao kỹ thuật theo yêu cầu của DN. Mô hình HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản chất lượng cao là mô hình phù hợp nhất cần được nhân rộng để giúp nông dân giải quyết khó khăn về đầu ra cho nông sản. Khi đó nhà nông không phải lo đầu ra và “điểm nghẽn” trong sản xuất nông nghiệp mới được tháo gỡ.
LAM PHƯƠNG