.

Chuyện không nhỏ chút nào!

Cập nhật: 18:25, 25/09/2018 (GMT+7)

Những ngày qua, từ trên mạng đến ngoài đời, người ta bàn luận khá nhiều chuyện nên hay không nên ăn thịt chó. Rồi từ đề tài này, người ta chuyển sang bàn luận (cũng sôi nổi và rôm rả không kém) việc nuôi chó và quản lý chó nuôi. Nguyên nhân xuất phát có lẽ là từ văn bản của UBND TP.Hà Nội khuyến cáo người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo do lo ngại việc giết mổ, kinh doanh thịt chó không bảo đảm vệ sinh ATTP, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả... khi sử dụng thịt của các vật nuôi này.

Nếu như chuyện “nên hay không nên ăn thịt chó” dư luận còn có những ý kiến trái chiều thì vấn đề chó nuôi cần phải được quản lý một cách chặt chẽ lại được hầu hết mọi người “nhất trí cao”. Sỡ dĩ như vậy là vì thời gian qua, việc nuôi thú cưng này đã gây ra cho cộng đồng không biết bao nhiêu chuyện phiền toái, âu lo. Có người đã lên facebook bày tỏ lo lắng sẽ là rất khủng khiếp nếu lỡ có một chú chó mắc bệnh dại sổng chuồng. Chuyện đó nguy hiểm hơn một con hổ trên đường phố, vì người ta đương nhiên đề phòng hổ chứ không đề phòng chó. Người khác có lẽ quá bức xúc nên nặng lời, rằng thả rông chó là hành vi kém văn hóa và phạm pháp!

Không hẹn mà gặp, số người tán thành việc quản lý chặt việc nuôi chó đều cho rằng, những người muốn nuôi chó phải nghiêm túc thực hiện qui định của các cơ quan chức năng: Phải xích, nhốt hoặc giữ chó cẩn thận, bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng, nơi đông dân cư ngoài phải rọ mõm và có người dắt; Không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh, phải tiêm phòng dịch bệnh theo quy định của cơ quan chức năng; Người nuôi phải chịu mọi chi phí nếu chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Nếu chó thả rông cắn người, chủ nuôi phải bồi thường cho người bị cắn.v.v… Nghĩa là, bạn có quyền nuôi thú cưng miễn là đừng làm ảnh hưởng đến người khác, không gây phiền toái, mất an toàn cho cộng đồng dân cư.

Vậy nhưng trên thực tế, số người nghiêm túc thực hiện các qui định nói trên không nhiều. Tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, chó vẫn được thả rông. Khu vực ngoại thành, nông thôn, người dân còn để mặc vật nuôi này đi đâu tùy thích. Do được tự do “rong chơi” nên không ít chú cẩu đã phóng uế bừa bãi khắp nơi, tấn công người; thậm chí là tác nhân gây tai nạn giao thông. Về phần mình, cơ quan chức năng lẫn chính quyền địa phương cũng chưa có những biện pháp xử lý mạnh tay ngoài việc yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết tiêm phòng dại, không để chó chạy rông ngoài đường. Việc bắt chó thả rông được quy định rất rõ trong các văn bản nhưng ít được thực thi do các địa phương không có nhân lực. Vả lại, việc xác định danh tính chủ sở hữu đối với chó thả rông cũng rất khó khăn. Nếu chủ chó thả rông bất hợp tác thì cũng khó lập biên bản vi phạm hành chính.

Không ít người cảm thấy sợ hãi khi bắt gặp trên phố một con chó chạy rông. Sự lo sợ càng tăng lên gấp bội khi đó là một chú chó to lớn, hung dữ, không được rọ mõm. Ai biết được bản năng hung dữ trong chúng có thể trỗi dậy lúc nào? Thực tế có nhiều người đã bị chó nuôi, chó thả rông cắn chết. Thống kê của Viện Dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) cho thấy, năm 2017 cả nước có 500.000 người phải đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn. 7 tháng đầu năm 2018, cả nước có 43 người chết vì bệnh dại, đều là trường hợp bị chó cắn nhưng không đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Thiệt hại trực tiếp hằng năm do chích ngừa bệnh dại hơn 800 tỷ đồng.

Muốn nuôi chó, đã đến lúc người nuôi phải tuân thủ “luật chơi”: Khai báo  với chính quyền cơ sở, cam kết nuôi nhốt chó cẩn thận, không những thường xuyên chích ngừa các loại bệnh mà còn chăm sóc để chúng sống hòa hợp, khỏe mạnh, không tấn công, gây bệnh cho gia chủ và cộng đồng. Người nuôi chó cũng cần nhận thức được rằng, nếu không nuôi thú cưng đúng cách, để nó trở thành mối nguy hại cho người khác, thậm chí cắn chết người, thì người chủ có nguy cơ phải đi tù.

Nếu lực lượng chức năng tăng cường truy bắt chó thả rông, áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ sở hữu động vật tấn công người dẫn đến tử vong thì tin chắc Nghị định 90 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạt hành chính trong lĩnh vực thú y sẽ được thực thi nghiêm túc.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

.
.
.