Chiếc bánh khuyến mại
Gần đến Tết Trung thu cả nhà chở nhau ra phố mua bánh, tiện thể dạo chơi, ngắm phố phường về đêm. Tôi tìm đến dãy cửa hàng bánh Trung thu được họp theo mùa vụ tại khu vực Công viên Lê Quý Đôn, TP.Vũng Tàu vì đây là nơi nhà tôi hay mua bánh mỗi năm.
Hàng nào cũng có tấm bảng quảng cáo thật hấp dẫn: “Giảm giá 30%”. Ghé vào cửa hàng bánh thương hiệu K., khi tính tiền, khách mới biết chỉ được giảm 10% chứ không phải 30% như tấm bảng quảng cáo. Khách thắc mắc thì mấy cô nhân viên bán hàng tranh nhau giải thích: “Mức giảm 30% là của hãng bánh Đ. thôi ạ”. “Nhưng chị thấy ở tiệm bánh gần Ngã Năm giảm 20% của hãng K. mà”. Cô khác nhanh nhảu: “Dạ, đó là dành cho khách mua số lượng lớn…”. Khách thắc mắc chỉ là để cho biết, đâu phải kỳ kèo vài ngàn cho mang tiếng keo kẹt. Nhưng mua bánh xong mà lòng khách vẫn ấm ức, cảm giác như mình bị lừa.
Trong kinh doanh, người bán hay dùng những lời lẽ hoặc hình ảnh quảng cáo đánh vào “lòng tham” của khách, trong đó phổ biến nhất là liên quan đến giá cả. Trên đường phố, ta hay thấy người bán trái cây dạo có tấm bảng với dòng chữ nguệch ngoạc kiểu như: 10.000 1/2kg (mười ngàn nửa kg) nhưng số 2 được cố ý viết nhỏ hơn rất nhiều so với các con số còn lại. Từ xa nhìn lại, người mua dễ tưởng lầm là mười ngàn 1 kg nên có xu hướng ghé vào hỏi mua nhiều hơn. Đã dừng xe rồi, “thấy vậy mà không phải vậy”, nhưng chẳng lẽ bỏ đi? Thôi thì đành tặc lưỡi mua cho đỡ ngại. Hàng khác thì tấm bảng giá rõ ràng: 10.000/kg, nhưng khi khách ghé lại mới vỡ lẽ, giá đó là dành cho những trái loại 2, loại 3, còn loại 1 thì… xin mời trả thêm tiền! Tương tự, nhiều cửa hàng thời trang hay treo bảng “xả hàng”, “giảm giá đến 50%, 70%”… Mới thấy tấm bảng như vậy, khách hàng sẽ nghĩ đây là cơ hội tốt để mua hàng giá rẻ, chất lượng, nhưng bước chân vào cửa hàng rồi mới biết mình lầm to. Những món hàng giảm giá đó thường là hàng bị lỗi mốt, size quá lớn hoặc là sản phẩm bị mắc lỗi nào đó. Vì vậy, khách rất khó chọn được món hàng giảm giá ưng ý. Mà đã lỡ bước vào rồi chả lẽ mấy ai lại ra về tay không?
Những tín đồ mua sắm đều biết, vào thời gian cuối năm, nhiều cửa hàng thời trang, trang sức, đồng hồ, hàng tiêu dùng… ở nhiều nước trên thế giới đồng loạt tung ra các chương trình giảm giá với quy mô lớn để xả hàng tồn nhằm thu hồi vốn, dành chỗ chứa hàng mới, mẫu mới. Đặc biệt, “Black Friday” - Ngày thứ Sáu đen vốn xuất phát từ Mỹ đã lan sang nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Theo đó, Black Friday là ngày thứ Sáu của tuần thứ 4 tháng 11 hàng năm. Vào thời gian này hàng năm thường diễn ra các sự kiện kích cầu mua sắm trong khoảng một tuần và là sự kiện giảm giá được nhiều người trên thế giới mong chờ. Những ngày này, tại nhiều cửa hàng, khách xếp hàng dài để chờ mua những món hàng hiệu với giá rẻ. Đó là những chương trình giảm giá để kích cầu tiêu dùng thực sự chứ không phải chương trình giảm giá kiểu lừa gạt khách như một số trường hợp nêu trên.
Có người cho rằng, “đánh lừa” khách hàng để thu hút họ đến và mua hàng của mình cũng là nghệ thuật kinh doanh. Nhưng hành vi lừa dối đó không thể coi là nghệ thuật kinh doanh, mà phải được xếp vào lĩnh vực đạo đức - thiếu đạo đức kinh doanh! Bán hàng, khuyến mại “treo đầu dê, bán thịt chó”, dối gạt khách hàng là hành vi buôn bán chụp giật, thiếu bền vững. Bởi lẽ, đã bị mắc lừa rồi, chẳng khách hàng nào muốn trở lại lần sau. Với những cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, họ có chiến lược xây dựng và giữ gìn uy tín, thương hiệu lâu dài. Các chương trình khuyến mại, giảm giá được họ thực hiện bài bản, nghiêm túc, đúng bản chất của giảm giá, để khách hàng thực sự mua được sản phẩm ưng ý, dưới mức giá trị thật của món hàng. Có như vậy, họ mới tạo được chỗ đứng trong lòng khách và níu chân khách trở lại.
NGUYỄN ĐỨC