Phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội!
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao, bàn tán trước thông tin một phòng giao dịch của Ngân hàng P. tại TP.Vũng Tàu bị cướp vào chiều ngày 6-8. Điều khiến nhiều người bất ngờ chính là đối tượng thực hiện vụ cướp chỉ mới 15 tuổi, nhưng phương thức, hành vi cướp như trong phim hành động. Theo lời khai của C.X.T (quê Quảng Bình, tạm trú tại TP. Vũng Tàu) nghi can vụ cướp, T. đã có sự chuẩn bị về thời gian, phương tiện gây án (dao, súng bắn đạn bi), đồ hóa trang chống nhận diện. Tại nơi gây án, T. dùng khẩu súng nhựa uy hiếp và yêu cầu các nhân viên ngân hàng bỏ tiền vào bên trong ba lô mang theo. Do sợ hãi, các nhân viên nữ la hét, kêu cứu nên T. bỏ chạy và sau đó bị lực lượng công an bắt giữ ngay trong đêm.
Tuần trước, cư dân mạng cũng bình luận nhiều về một vụ cướp khác có đối tượng gây án là người chưa thành niên (dưới 18 tuổi). Khoảng 14 giờ ngày 3-8, do không có tiền tiêu xài, đôi nam nữ đã đến shop quần áo ở TP Buôn Ma Thuột để cướp tài sản. Trong lúc gây án, nữ nhân viên shop quần áo chống cự nên bị đối tượng nam đâm nhiều nhát vào người. Sau đó, đôi nam nữ đã đến cơ quan công an đầu thú đã gây nên vụ cướp, người nam khai tên Phạm Minh Kiên (17 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột) và người nữ Ngô Thị Huyền Phương (22 tuổi, ngụ TP. Hà Nội).
Còn nhiều vụ án trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy, giết người… do người chưa thành niên gây ra trong thời gian qua, đã dấy lên nỗi lo trong cộng đồng xã hội về sự gia tăng đối tượng phạm tội ngày càng “trẻ hóa”. Nhằm ngăn ngừa tình trạng này, có ý kiến cho rằng cần phải quy định giảm tuổi chịu trách nhiệm hình sự, tăng mức xử phạt với các đối tượng gây án để tăng tính răn đe. Thiết nghĩ, đây không phải là giải pháp hay, bởi muốn điều chỉnh hành vi con người, trước hết phải tìm hiểu, xác định nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện hành vi đó.
Theo các chuyên gia tội phạm học, người chưa thành niên phạm tội có nguyên nhân xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, như cha mẹ thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái; cha mẹ, anh chị nghiện ngập, cờ bạc, ly hôn, làm ăn phi pháp, có tiền án tiền sự, hành vi bạo lực... cũng đều có thể dẫn đến việc các em bị lôi kéo vào con đường phạm pháp. Bên cạnh đó, người chưa thành niên đang phát triển về tâm sinh lý và nhân cách, còn non nớt về nhận thức nên dễ bị tác động từ môi trường xã hội. Vì vậy, nếu không được gia đình, nhà trường quan tâm giáo dục, dạy dỗ sẽ dẫn tới dễ bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng để phạm tội. Mặt khác, thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay đã khiến một bộ phận giới trẻ lâm vào tình trạng sống ảo, nhận thức lệch lạc về giá trị cuộc sống, bị lôi cuốn vào các trò chơi thiếu lành mạnh, bắt chước theo hành động bạo lực qua phim, ảnh đăng tải trên các trang mạng xã hội nên dẫn đến hành vi phạm tội.
Vì vậy, giải pháp hàng đầu vẫn là phải tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người chưa thành niên ngay tại môi trường sinh hoạt cộng đồng, môi trường giáo dục ở các cấp học bằng hình thức phù hợp với từng nhóm tuổi. Đồng thời, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nhân cách của người chưa thành niên. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm theo dõi diễn biến về thể trạng, tâm lý của con em để có biện pháp hướng dẫn, nhắc nhỡ các em sửa đổi kịp thời những hành vi sai trái, nhận thức lệch lạc về giá trị cuộc sống. Người lớn trong gia đình, hay ngoài xã hội cũng đều phải thể hiện là tấm gương cho người trẻ tuổi noi theo trong học tập, lao động và chấp hành pháp luật.
Bên cạnh đó, các cơ quan cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh trấn áp tội phạm để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân; phòng ngừa kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ người chưa thành niên bước chân vào con đường phạm pháp.
NHỰT THANH