.

Mỗi xã một sản phẩm

Cập nhật: 15:21, 06/08/2018 (GMT+7)

Theo Quyết định 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020 với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh từ nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để sản xuất các sản phẩm và cung ứng các dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị hàng hóa.

Tổng hợp từ khoảng 6.010 DN, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh cho thấy, trên địa bàn cả nước hiện đang tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm. Bao gồm, nhóm thực phẩm có 2.584 sản phẩm, nhóm đồ uống có 1.041 sản phẩm, nhóm thảo dược có 231 sản phẩm, nhóm vải và may mặc có 186 sản phẩm, nhóm hàng lưu niệm - nội thất - trang trí có 580 sản phẩm, nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 201 sản phẩm. Tuy nhiên, trong số đó hiện chỉ có 1.066 sản phẩm đã được đăng ký và công bố tiêu chuẩn chất lượng (chiếm 22,5%), 695 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (chiếm 14,4%). Điều đó chứng tỏ việc xác định sản phẩm lợi thế, chuẩn hóa quy trình sản xuất của các nhóm sản phẩm nêu trên vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức, chưa đề cao được các giá trị truyền thống gắn liền với mỗi sản phẩm. Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị thị trường đối với các loại hàng hóa chưa được đầu tư bài bản, mà mới chỉ ở dạng tự cung tự cấp tại địa phương, nên sự trao đổi sản phẩm còn bị bó hẹp trong từng khu vực.

Triển khai từ năm 2013, mô hình điểm OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp địa phương theo hướng phát triển sản xuất tập trung, gia tăng giá trị sản phẩm. Lấy phát triển sản phẩm làm cơ sở, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng quy hoạch 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh, và hơn 50 vùng tập trung cấp huyện, xã, đưa tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương được đầu tư, khai thác có hệ thống và hình thành các chuỗi giá trị. Nhờ đó, doanh số bán hàng khởi nguồn từ chương trình OCOP trong 3 năm qua đạt hơn 670 tỷ đồng, gấp 3 lần so với kế hoạch của đề án.

Khu vực nông thôn của nước ta có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước và giữ sự cân bằng về hệ sinh thái và xã hội. Đây cũng là khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất và bảo đảm an ninh lương thực, là nơi có các nghề thủ công truyền thống và có nguồn lao động dồi dào. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai thực hiện trên địa bàn cả nước đã và đang mở ra hướng phát triển kinh tế đa dạng, dựa vào lợi thế từ mỗi địa phương theo hướng tăng giá trị gia tăng. Tuy nhiên, qua hơn 5 năm triển khai chương trình NTM, sự chuyển biến trong phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn vẫn còn chậm, việc xác định sản phẩm lợi thế cũng như công tác xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế.

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (DN, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Chủ thể thực hiện OCOP là các hộ gia đình, HTX, các DNNVV, Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ về chính sách. Thông qua OCOP, lực lượng sản xuất ở nông thôn khi đứng trong tổ chức kinh tế của chính mình là các DN, HTX, tổ hợp tác… sẽ phát huy được sự chủ động, sự sáng tạo trong phát triển kinh tế từ những lợi thế của mỗi địa phương. Đồng thời, hiệu quả của OCOP sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người nông dân.

HOÀNG LÊ

 

.
.
.