Phòng, chống mua bán người!
Ngày 30-7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Đây là quy định tại Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, công tác phòng, chống mua bán người (PCMBN) được xác định là một nội dung của chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
Thông tin từ Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐTBXH, từ tháng 11-2015 đến tháng 5-2018, cả nước đã xảy ra 885 vụ mua bán người với 1.158 đối tượng, lừa bán 2.319 nạn nhân.
Cũng trong thời gian này, các đơn vị, cơ quan chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận trở về 1.117 nạn nhân bị mua bán. Trên địa bàn tỉnh BR-VT, trong năm 2016 và 2017, cũng đã xảy ra 2 vụ mua bán người, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phối hợp phá án thành công, giải cứu 2 nạn nhân đưa về đoàn tụ với gia đình ở huyện Đất Đỏ và huyện Tân Thành (nay là TX. Phú Mỹ).
Hành vi mua bán người để lại hậu quả nặng nề cho hầu hết các nạn nhân. Khi trở về với cộng đồng, sức khỏe họ giảm sút do bị ép buộc lao động nặng nhọc, làm việc trong môi trường độc hại, bị giam giữ, đánh đập, tra tấn đến mang thương tích, cố tật; bị bóc lột tình dục, bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác; Tinh thần hoảng loạn, không ổn định dẫn đến ức chế tâm lý, trầm cảm. Do đó, mua bán người là tội ác, cần phải được pháp luật nghiêm trị thích đáng.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật PCMBN. Cụ thể, Luật phòng, chống mua bán người (số 66/2011/QH12, có hiệu lực từ ngày 1-1-2012) nghiêm cấm các hành vi: Mua bán; Chuyển giao, hoặc tiếp nhận; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Gần đây, Bộ Luật Hình sự (số 01/VBHN-VPQH, có hiệu lực từ 1-1-2018) quy định xử phạt nặng tội mua bán người, tùy hành vi và trường hợp phạm tội cụ thể, sẽ bị xử phạt tù từ 5-20 năm; Phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi, bị xử phạt tù từ 7-20 năm, hoặc tù chung thân.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCMBN trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, đơn trình báo mất tích có dấu hiệu của tội phạm mua bán người; Tiến hành đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý những đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người trên các địa bàn; Bảo đảm mọi hành vi mua bán người đều sớm được phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe các đối tượng phạm tội và góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức PCMBN trong xã hội.
Bên cạnh đó, gia đình giữ vai trò rất quan trọng đối với nhiệm vụ PCMBN. Các thành viên trong gia đình nên thường xuyên trao đổi thông tin về thủ đoạn mua bán người và các kỹ năng phòng, chống; Phối hợp với nhà trường, cơ quan, tổ chức và các đoàn thể xã hội trong công tác PCMBN; Hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý vụ việc liên quan tới hành vi mua bán người; Chăm sóc, giúp đỡ thành viên của gia đình là nạn nhân của tội phạm mua bán người để họ sớm hòa nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng.
Mặt khác, nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề có trách nhiệm tham gia PCMBN trong việc quản lý chặt chẽ việc học tập và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên, học viên trong thời gian học tập tại đơn vị; Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về PCMBN phù hợp với từng cấp học, ngành học; Tạo điều kiện thuận lợi để những nạn nhân của tội phạm mua bán người được học văn hóa, học nghề, hòa nhập cộng đồng; Phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyển địa phương và gia đình của học sinh, sinh viên, học viên để thực hiện các biện pháp PCMBN.
NHỰT THANH