.

Nỗi lo tồn dư thuốc bảo vệ thực vật

Cập nhật: 17:23, 03/08/2018 (GMT+7)

Mẹ tôi gửi xuống cho một thùng các tông, mở ra nào thịt heo, gà, rau muống, ngọn rau bí, cải, đu đủ…, mỗi thứ một ít và kèm theo cuộc điện thoại với lời dặn: “Con tuyệt đối không mua rau ở ngoài chợ ăn nha. Rau bán chợ không an toàn, các loại thịt cũng vậy. Ăn vô bệnh tật đó con ạ”.

Lo lắng của mẹ tôi là hoàn toàn có lý do. Bà sống ở vùng nông thôn. Xung quanh nhà là vùng trồng rau chuyên canh. Hàng ngày bà chứng kiến việc trồng, chăm sóc rau của những người nông dân cùng sống trong thôn. Mỗi lần về thăm nhà, mẹ tôi kể, nhìn đám rau xanh mơn mởn, ngon lành thế kia nhưng được phun thuốc dữ lắm. Mà nếu không phun thì sâu phá tùm lum. Rau mẹ trồng nếu không làm lưới bao lại thì sâu cũng phá hết. Ở nông thôn nhưng không ai dám mua rau của những người hàng xóm mình trồng.

Mới đây, thông tin về lượng tồn dư thuốc BVTV trong cơ thể người cũng khiến cho chúng ta thêm một lần nữa hoang mang, lo lắng. Chỉ tiến hành xét nghiệm nồng độ thuốc BVTV trong máu đối với nhóm 67 người ở Hà Nội, nhưng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế đã phát hiện đến 31 người ở mức nguy cơ có thuốc BTVT lưu tồn trong máu. Kết quả cho thấy, trong tổng số 67 người tham gia xét nghiệm chỉ có 35 người ở mức an toàn; 31 người ở mức nguy cơ (tức là đang có thuốc BVTV lưu tồn trong máu); 1 người ở mức rủi ro (nguy hiểm hơn mức nguy cơ). Điều đáng nói là, những người được xét nghiệm hoàn toàn không trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp. Trước đó, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã thực hiện một nghiên cứu trên 243 người ở vùng có nguy cơ cao tại Hà Nam và kết quả cho thấy, có gần 85% người nông dân tiếp xúc với thuốc BVTV có lượng tồn dư trong máu khá cao. Cũng theo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, việc hấp thụ thuốc BVTV xảy ra khi hít phải, uống phải hoặc tiếp xúc qua da và niêm mạc, do đó nhiều người dù không tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu nhưng trực tiếp sử dụng các sản phẩm rau, hoa quả còn tồn dư lượng thuốc trừ sâu hoặc hít phải đều bị nhiễm.

Mỗi năm, Việt Nam sử dụng khoảng 30.000 - 40.000 tấn thuốc BVTV; lượng lớn hóa chất tồn dư không thể hấp thụ một phần ngấm lại trong đất, một phần chảy theo nước mưa ra các sông suối… Chưa kể tình trạng vỏ bao bì, chai lọ sau khi sử dụng không được thu gom xử lý mà đem vứt khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường. Phân bón và thuốc BVTV là một trong những yếu tố góp phần gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở các dòng sông, hồ chứa nước, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho con người. Có thể nói, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp đã đến mức báo động đỏ. Tỷ lệ người nhiễm thuốc BVTV trong máu sẽ còn tăng cao khi việc lạm dụng thuốc BVTV vẫn tràn lan, không được kiểm soát. Muốn vậy cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong việc rà soát, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu từ khảo nghiệm, đăng ký đến sử dụng. Kiên quyết loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe con người và môi trường ra khỏi danh mục thuốc BVTV. Đồng thời, mặc dù không dễ để nông dân thay đổi thói quen lạm dụng thuốc BVTV, hướng tới việc sản xuất sạch bền vững, nhưng nếu không thay đổi thì cũng đồng nghĩa kéo dài hiểm họa từ thuốc BVTV. Ở đó không chỉ là gánh nặng về bệnh tật mà còn kéo theo nhiều nguy cơ khác về ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng tới cả tương lai thế hệ sau này.

NGÔ GIA

.
.
.