.

Nếu trượt đại học…

Cập nhật: 08:08, 10/08/2018 (GMT+7)

“Nếu trượt đại học thì phải làm sao?”- đó là câu hỏi rất phổ biến sau mỗi kỳ xét tuyển đại học hằng năm. Câu hỏi rất phổ biến, nhưng lại không bình thường, bởi để trả lời được câu hỏi ấy là cả một vấn đề, chất chứa bao tâm tư của bao thế hệ người Việt. Có những trường hợp, câu trả lời là cửa tử, bởi không biết phải làm sao nếu trượt đại học, không biết phải làm sao khi đối diện với cha mẹ, ông bà, người thân trong dòng tộc, những người đã đặt cả kỳ vọng, cả ước mơ vào con cháu mình.

Cháu ruột tôi cũng vừa trượt đại học khi đạt điểm các môn thi THPT Quốc gia kỳ vừa rồi là 18,5. Trong khi các ngành học ở những trường cháu đăng ký xét tuyển đều cao hơn mức điểm ấy. Hỏi, cháu có buồn không, cháu trả lời nhẹ tênh: Cũng buồn, nhưng chút chút thôi! Bởi, trượt đại học thì cháu đi học nghề, hoặc cháu cũng có thể thi lại vào năm sau cơ mà. Cháu tôi còn lý giải thêm, trượt đại học cũng như mình làm gì đó mà thất bại lần đầu, cũng có thể thử lại lần hai, miễn sao không bỏ cuộc!

Suy nghĩ như cháu tôi không phải ai cũng đồng tình. Bằng chứng là ông nội cháu đã buồn rười rượi cả mấy ngày trời, thậm chí có ai hỏi đến kết quả xét tuyển của cháu, ông đánh trống lảng. Ông còn bảo, giờ thì phải “đeo mo vào mặt” mới dám ra đường… chỉ vì quá xấu hổ với thằng cháu trượt đại học, đi ngược với truyền thống thi cử, đỗ đạt của dòng tộc lâu nay.

Tôi còn nhớ, cách đây hơn 20 năm, một người bạn của tôi đã trả lời hết sức tiêu cực cho câu hỏi “trượt đại học thì phải làm sao” bằng cách chấm dứt cuộc đời mình khi vừa tròn 18 tuổi! Người bạn ấy mãi mãi để lại nỗi đau cho chính cha mẹ, người thân của mình. Đây cũng là bài học đắt giá cho những người lớn khi quá kỳ vọng vào con cái mình; vô tình đã không cho phép con cháu mình được quyền lựa chọn con đường khác ngoài cánh cổng trường đại học, khiến cho các bạn trẻ rơi vào trạng thái tuyệt vọng, thấy bản thân mình mắc lỗi, thậm chí là tội đồ và không thể tha thứ được với cú thất bại đầu đời ấy.

Sở dĩ tôi nhắc đến chuyện này, bởi lẽ, đầu tuần qua, nhiều trường đại học đã công bố điểm đầu vào. Cũng có nghĩa là rất nhiều bạn trẻ cùng rơi vào một tình huống có thể là đáng sợ nhất đối với họ: trượt đại học! Khi mà tuổi trẻ vừa mới bắt đầu, không có lý gì lại phải chọn lựa sự kết thúc chỉ vì không vào được cánh cổng trường đại học cho năm học này. Một người bạn khác của tôi, với ước mơ cháy bỏng trở thành bác sĩ quân y, năm đầu tiên, bạn thi trượt, năm thứ 2 bạn thiếu đúng nửa điểm; đến tận năm thứ 3 mới chính thức trở thành tân sinh viên của Học viện Quân y. Sau này, bạn chia sẻ, những ngày tháng ấy là cả một trời thất vọng, nghĩ rằng ước mơ cả đời của mình thế là tan tành. Người thân và bạn bè đã chia sẻ, động viên để bạn tiếp tục ôn luyện trong những kỳ thi sau đó. Hiện bạn đã khoác trên mình màu áo xanh của lính, tự hào là bác sĩ quân hàm xanh ở một miền biên giới xa xôi của Tổ quốc. Và bạn vẫn luôn nói rằng, với bất cứ ai cũng nên cho mình nhiều hơn một cơ hội, nếu thất bại thì làm lại, miễn sao đừng nản chí. 

Trên thực tế, nhiều bạn trẻ vào đại học chỉ để làm thỏa mãn mong muốn của ba mẹ, ông bà mình. Vì vậy, chỉ vài năm trên ghế giảng đường, nhiều bạn trong số đó đã rẽ ngang, không theo học đại học đến cùng khi suy nghĩ thấu đáo hơn về mong muốn, sở thích và lựa chọn đúng đắn cho mình trong tương lai. Có những bạn quyết định khởi nghiệp, thậm chí là đi học nghề và đã thành công. Điều đó cho thấy, không cứ gì trượt đại học là “đất trời sụp đổ” và cũng không cứ gì trượt đại học là “bôi tro trát trấu” vào bố mẹ, ông bà mình. Nghĩa là không cứ gì phải xấu hổ khi trượt đại học và vẫn còn nhiều con đường khác để đi, để trở thành người hữu ích cho gia đình, xã hội và như thế đã là đến đích thành công.

Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy, trong khi cả nước hiện có đến hơn 200 ngàn người có trình độ “đại học trở lên” thất nghiệp, thì chỉ có hơn 78 ngàn người có trình độ cao đẳng không có việc làm. Nhiều trường hợp học xong đại học đã phải tạm gác tấm bằng cử nhân sang một bên để đi học nghề hoặc tìm một công việc khác không liên quan. Nhiều trường cao đẳng, dạy nghề còn cam kết có việc làm ngay cho học viên khi tốt nghiệp, một việc mà các trường đại học khó có thể thực hiện được. Cơ hội còn nhiều cho các bạn trẻ, và việc các bạn đậu hay trượt đại học không hẳn sẽ làm thay đổi giá trị con người bạn, bạn cần phải hiểu đúng giá trị con người mình để tự tin lựa chọn tương lai cho mình. Học có thể bắt đầu từ mọi lúc, mọi nơi, trên đường đời, trong sách vở, học trực tuyến trên mạng Internet… chứ không cứ gì phải trên giảng đường đại học thì mới đi tới thành công. Và nếu lựa chọn của bạn vẫn là học đại học, thì bạn cũng có thể bắt đầu lại cho kỳ xét tuyển năm sau. Vì vậy “nếu trượt đại học” vẫn có thể buồn, nhưng ít thôi, bởi cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra với vô số cơ hội.

THẢO LINH

 

.
.
.