Là tinh hoa võ thuật của dân tộc, võ cổ truyền đã, đang được các thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh yêu mến, gìn giữ và phát triển.
Phạm Anh Kiệt, VĐV tài năng của tuyến trẻ đội tuyển võ cổ truyền tỉnh. |
Nơi ươm mầm tài năng
Sinh ra tại TT.Phước Hải (huyện Đất Đỏ), một trong những cái nôi đào tạo nhiều thế hệ VĐV xuất sắc cho các tuyến võ cổ truyền tỉnh, năm lên 6 tuổi, Phạm Anh Kiệt bắt đầu theo học võ cổ truyền. Sau đó, Anh Kiệt nhanh chóng trở thành một trong những võ sinh xuất sắc của CLB võ cổ truyền tại TT.Phước Hải.
Với tài năng và chịu khó rèn luyện, chỉ sau 3 năm theo học, từ một VĐV phong trào, Kiệt được gọi vào thi đấu cho tuyển trẻ tỉnh. Từ đó tới nay, Anh Kiệt liên tục giành nhiều HCV, HCB, HCĐ tại các giải đấu trong và ngoài tỉnh. “Em rất yêu thích võ cổ truyền. Môn võ vừa giúp em rèn luyện thể lực vừa hiểu hơn về truyền thống, tinh thần dân tộc, từ đó vun đắp thêm tình yêu quê hương đất nước”, Anh Kiệt nói.
Những năm qua, phong trào luyện tập võ cổ truyền đã lan rộng và phát triển mạnh mẽ tại huyện Đất Đỏ. Hiện nay, 100% xã, thị trấn của huyện đều có CLB võ cổ truyền để người dân tham gia và luyện tập hàng ngày, trong đó độ tuổi từ 5-18 chiếm số đông. Đây cũng là địa phương đóng góp đào tạo số lượng VĐV nhiều nhất cho tỉnh ở cả tuyển trẻ và tuyển quốc gia.
Với niềm đam mê và mong muốn duy trì, phát triển võ cổ truyền, năm 2000, ông Nguyễn Trường Giang, một HLV phong trào môn võ cổ truyền tại huyện Xuyên Mộc đã thành lập CLB võ cổ truyền xã Hòa Hiệp. Khởi đầu, chỉ có vài em tham gia, đến nay, CLB của ông Giang luôn duy trì hơn 100 võ sinh ở độ tuổi từ 6-25 theo học thường xuyên. Từ CLB này, ông Giang cùng các cộng sự đã đào tạo, cung cấp nhiều VĐV tiềm năng cho đội tuyển võ cổ truyền tỉnh.
CLB của ông Giang không chỉ là nơi tập luyện phong trào mà còn chú trọng đào tạo các VĐV chuyên nghiệp. Hiện nay, CLB đang có các võ sinh Nguyễn Chí Thiên, Phan Trung Thiên - 2 VĐV từng giành HCB và HCĐ tại giải vô địch võ cổ truyền quốc gia. Ngoài ra, Nguyễn Kim Văn và Trần Thị Phương Uyên cũng đang nằm trong tuyến tuyển của đội tuyển võ cổ truyền tỉnh. CLB còn có 16 võ sinh tiềm năng có thể kế thừa, bổ sung cho tuyến trẻ của tỉnh trong thời gian tới.
Chinh phục thử thách mới
Theo Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh, trong bối cảnh ngày càng có nhiều môn võ được du nhập vào Việt Nam, võ cổ truyền vẫn có lợi thế và dấu ấn riêng để thu hút thế hệ trẻ. Bởi, đó là di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, được ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Những năm gần đây, phong trào luyện tập võ thuật cổ truyền trên địa bàn tỉnh phát triển, thu hút nhiều thanh thiếu niên tham gia, đặc biệt là các địa phương như Đất Đỏ, Xuyên Mộc. Toàn tỉnh hiện có 50 CLB với khoảng 3.000 võ sinh thường xuyên tham gia tập luyện.
Võ cổ truyền đòi hỏi quá trình rèn luyện lâu dài. 5 tuổi trở lên là độ tuổi phù hợp để thế hệ trẻ có thể đạt được sự phát triển toàn diện cả về tầm vóc và tư tưởng. Ở độ tuổi này, các hệ xương, cơ, khớp còn mềm và dẻo dai, sức chịu đựng tốt sẽ giúp các em có thuận lợi nhất định trong quá trình luyện tập cũng như tiếp thu, hoàn thiện những giá trị về nhân cách con người. Sau khoảng 3-5 năm đào tạo, võ sinh có thể bắt nhịp được với tốc độ của cấp lớn hơn để đi thi đấu.
Ông Nguyễn Trường Giang,
HLV môn võ cổ truyền tại huyện Xuyên Mộc |
Ông Nguyễn Tuấn Trọng, HLV tuyến tuyển võ cổ truyền tỉnh cho biết, tỉnh có 42 VĐV thuộc 3 tuyến, tuyển, trẻ và năng khiếu độ tuổi dao động từ 6-28 tuổi. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào, võ cổ truyền thi đấu thành tích cao của tỉnh cũng đang từng bước củng cố, nâng cao vị thế.
“Sau thời gian huấn luyện, lứa VĐV võ cổ truyền của Bà Rịa - Vũng Tàu đang ở thời điểm chín muồi. Các em đã sẵn sàng để chuẩn bị thi đấu cho các giải lớn trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi tin tưởng, với quá trình chuẩn bị lâu dài, bền bỉ và sự quan tâm của các cấp chính quyền, tới đây, võ cổ truyền tỉnh sẽ tỏa sáng tại các đấu trường”, ông Trọng bày tỏ.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC