Tháng 9 tới, U23 Việt Nam sẽ bắt đầu giấc mơ Olympic 2024 bằng chiến dịch vòng loại U23 châu Á, với các đối thủ Yemen, Singapore và Guam.
U23 Việt Nam chung bảng với Yemen, Singapore và Guam. |
Tại vòng loại U23 châu Á 2024, U23 Việt Nam nằm trong nhóm hạt giống số 1. Chúng ta cũng có lợi thế khi là nước chủ nhà của bảng C. Và rõ ràng, so với 3 đối thủ ở bảng đấu này, thầy trò HLV Philippe Troussier vẫn được đánh giá mạnh nhất. U23 Singapore và U23 Guam chưa bao giờ giành vé dự vòng chung kết, trong khi U23 Yemen từng 2 lần tham dự, nhưng thua trắng cả 6 trận.
U23 Singapore là đối thủ quen thuộc nhất với U23 Việt Nam. Đội bóng này sở hữu thể hình lý tưởng, nhưng tư duy chiến thuật và kỹ thuật cá nhân hạn chế. Ở SEA Games 32 vừa rồi, đội tuyển này đứng cuối bảng với 1 điểm/4 trận, xếp dưới cả U22 Lào. Trong trận đối đầu với U22 Việt Nam, họ thua tâm phục khẩu phục 1-3. U23 Guam thậm chí còn yếu hơn cả U23 Singapore và bị coi là kho điểm ở bảng đấu này.
Đối thủ đáng gờm nhất của U23 Việt Nam ở bảng đấu này là U23 Yemen. Trong lần chạm trán cách đây 7 năm, U23 Việt Nam dưới thời HLV Toshiya Miura từng thất thủ 1-2 trước đội bóng này. Còn ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Việt Nam từng thắng Yemen 2-0 ở vòng bảng Asian Cup 2019. U23 Yemen không mạnh bằng những đối thủ Tây Á khác như Iran, Iraq, Ả rập Xê út, Qatar,… và trở ngại với thầy trò Troussier chủ yếu là thông tin hạn chế về đội bóng này.
Nhìn chung, vòng loại U23 châu Á không phải vấn đề lớn với U23 Việt Nam, đội tuyển đã dự 4 vòng chung kết gần nhất và đã lọt vào tứ kết ở vòng chung kết gần nhất hồi hè năm 2022. Đây chỉ là bước khởi động cho mục tiêu lớn hơn vào sang năm.
Khi lứa Quang Hải, Công Phượng, Bùi Tiến Dũng, Duy Mạnh gây ấn tượng mạnh mẽ với thành tích về nhì tại Thường Châu 2018, không ít người mong đây là vòng loại Olympic, thì giấc mơ góp mặt ở Thế vận hội chẳng phải đã trở thành hiện thực.
Đúng là thầy trò HLV Park Hang Seo đã trải qua một giải đấu cực ấn tượng năm đó, nhưng cũng phải thừa nhận rằng chính vì đó không phải vòng loại Olympic, nên những ứng viên vô địch không cử đội hình mạnh nhất. U23 Nhật Bản là một minh chứng khi họ chỉ cử đội U21 tham dự.
Hai năm sau đó, U23 Việt Nam đến Thái Lan với vị thế đương kim á quân. Đội hình khi ấy cũng rất mạnh với một loạt ngôi sao như Quang Hải, Đình Trọng, Hoàng Đức, Tiến Linh, nhưng rồi đã ra về với vỏn vẹn 2 điểm sau 3 trận, xếp cuối bảng D. Phong độ sa sút là một phần lý do, phần còn lại là khách quan, khi đối thủ quyết tâm hơn, tập trung hơn, và cũng huy động lực lượng mạnh hơn, vì giấc mơ Olympic. Năm ấy, đương kim vô địch U23 Uzbekistan cũng lỡ hẹn với tấm vé Olympic vì thua U23 Úc ở trận tranh giải ba.
Dẫn chứng từ quá khứ để thấy rằng những thử thách thật sự của thầy trò U23 Việt Nam chỉ xuất hiện sau khi chúng ta vượt qua vòng loại U23 châu Á. Vòng chung kết, với 16 đội bóng có đội hình mạnh nhất có thể tranh 3,5 vé tới Paris, mới là lúc bản lĩnh của ông Troussier và các học trò bị thử thách khắc nghiệt nhất.
TUẤN CƯƠNG