Nằm ở Thái Bình Dương, quần đảo Galapagos thuộc Ecuador đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới với những đa dạng sinh học mà ít nơi nào có được. Gần đây, nó đã biến thành một “trạm xăng”, cung cấp nhiên liệu cho tàu chở ma túy của các băng nhóm, không chỉ ở Ecuador mà còn ở các nước láng giềng Colombia, Peru…
Chiếc Cessna Conquest II với 1.600 lít xăng lậu ở sân bay José de Villamil lúc hạ cánh chiều 3/1/2024. |
Lúc ấy là 6 giờ chiều 3/1/2024, Charles Kriston, 53 tuổi, nhân viên trực đài kiểm soát không lưu sân bay José de Villamil trên đảo Isabela thuộc quần đảo Galapagos nghe tiếng vo ve càng lúc càng lớn dần. Trong khi chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì một chiếc máy bay nhỏ, loại Cessna Conquest II đã hạ cánh xuống đường băng. Ông Kriston nói: “Nó không hề thông báo cho đài kiểm soát. Nếu hệ thống liên lạc của nó bị hỏng thì theo quy định, phi công phải chớp đèn hiệu ở cánh xin đáp khẩn cấp nhưng nó đã không làm như vậy”.
Trước sự việc bất thường, ông Kriston điện thoại cho cảnh sát. Thiếu tá William Albán Durán chỉ huy cảnh sát đảo Isabela cho biết: “Khi đến nơi, chúng tôi chỉ thấy máy bay mà không thấy người. Trong khoang có 40 thùng nhựa, loại thùng 40 lít chứa đầy xăng nhưng không phải là xăng máy bay”. Tuy nhiên ông lại không ra lệnh thu giữ số xăng này với lý do “để theo dõi xem ai đến lấy”.
Về mặt địa lý, Isabela là hòn đảo nằm xa nhất trong quần đảo Galapagos với dân số gần 3.000 người, hầu hết sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Do phong cảnh vẫn còn nguyên nét hoang sơ nên mỗi năm, đảo Isabela đón hơn 100 ngàn du khách. Vì vậy sân bay José de Villamil ra đời nhằm phục vụ việc đi lại của họ. Charles Kriston, nhân viên kiểm soát không lưu nói: “Đường băng José de Villamil dài 900m, chỉ phù hợp với những loại máy bay nhỏ. Đài kiểm soát không lưu có mỗi mình tôi. Việc cất hạ cánh vào ban đêm là không thể vì đường băng không có đèn chiếu sáng, không có camera an ninh, sân bay cũng không có hàng rào và không người canh gác. Thế nên sự xuất hiện của chiếc Cessna Conquest II đã khiến tôi kinh ngạc”.
Cũng do vị trí địa lý đặc biệt ấy nên 2 năm trở lại đây, đảo Isabela đã trở thành “trạm xăng” cho các tàu cao tốc vận chuyển cocain mà nguyên nhân là những cuộc tuần tra do lực lượng hải quân các quốc gia Nam Mỹ với sự hỗ trợ của Cục phòng chống ma túy Mỹ (DEA), đã cắt đứt tuyến đường biển từ Ecuador, Colombia, Peru đến bang Florida, Mỹ, nên các băng nhóm buộc phải chọn cách đi vòng.
Ông Samantha Schmidt, Giám đốc Văn phòng bài trừ ma túy Ecuador nói: “Việc đi vòng sẽ kéo dài thời gian và lượng nhiên liệu tiêu tốn cũng lớn hơn nhưng ở giữa biển, lấy đâu ra xăng dầu để bù vào. Còn nếu trữ đủ cho cả hành trình thì cocain sẽ phải giảm bớt. Vì vậy, các băng nhóm đã chọn đảo Isabela làm nơi tái tiếp tế”.
Vẫn theo ông Samantha Schmidt, thoạt đầu, các băng nhóm móc nối với một số ngư dân, mua lại một phần xăng dầu mà ngư dân mang theo để đánh cá với giá chênh lệch khá lớn. Việc mua bán diễn ra ngay trên biển rồi sau khi trả tiền, nhiên liệu sẽ được bơm từ tàu này sang tàu kia. Ông Samantha Schmidt nói: “Điều đó dẫn đến nhiều ngư dân chỉ đánh bắt ven bờ nhưng lại mua mỗi lần cả trăm lít. Họ đi từ sáng sớm đến chiều tối mới quay về nhưng trong thuyền chỉ có vài con cá. Hôm sau, họ đi nữa và lại tiếp tục mua nữa…”.
Tháng 9/2023, sau quá trình trinh sát, lực lượng chống ma túy Ecuador đồng loạt tổ chức khám xét 12 tàu đánh cá trên đảo Isabela. Kết quả thu được hơn 2.000 lít xăng, 1.960 lít dầu diesel đựng trong những thùng nhựa. Từ đó, việc cung cấp nhiên liệu cho các tàu ma túy khựng lại, bởi các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt hơn nhưng thỉnh thoảng vẫn có những ngư dân xé rào vì không cưỡng nổi sức hấp dẫn của lợi nhuận.
Ngư dân Joel, đã từng bị bắt vì liên quan đến xăng dầu nói: “Cả ngày đánh cá may mắn lắm mới kiếm được 200USD (Ecuador vẫn dùng USD làm đồng tiền chính thức trong các giao dịch) nhưng chỉ cần bán 200 lít xăng thì tiền chênh lệch đã là 200USD, vừa nhanh lại vừa nhẹ nhàng”.
Bị cắt đứt "mạch máu", các băng nhóm ma túy chuyển sang hình thức khác, là đưa nhiên liệu đến đảo Isabela bằng máy bay du lịch, sau đó nhờ ngư dân cất giấu rồi đem ra biển. Ngư dân Joel nói tiếp: “Điều đó giúp cho kẻ giao hàng tránh được sự nghi ngờ của cảnh sát vì họ đi biển nhưng không mua xăng dầu, hoặc nếu có thì cũng chỉ mua rất ít, vừa đủ cho chuyến đánh bắt nhưng thực tế thì họ giấu hàng chục thùng ở nhiều chỗ trong tàu”.
Ngư dân Fernandez, hiện đang bị giam vì vận chuyển nhiêu liệu bất hợp pháp khai với cảnh sát: “Tôi được trả công từ 6.000 - 7.000 USD cho mỗi chuyến đi với 10 ngàn lít xăng dầu. Những người thuê cung cấp cho tôi điện thoại vệ tinh nên tôi chỉ việc giao hàng cho tàu chờ sẵn theo tọa độ GPS”.
Trung tá Victor John Coronado, chỉ huy lực lượng cảnh sát biển ở quần đảo Galapagos cho biết năm 2023, đơn vị ông đã thu gần 25 tấn cocain trên vùng biển xung quanh đảo từ các tàu buôn lậu ma túy đang thả neo chờ tiếp tế nhiên liệu. Ông nói: “Chỉ riêng tháng 11, chúng tôi thu được 9 tấn, tăng 150% so với năm 2022, còn năm 2019, do chưa nắm được thủ đoạn của các băng nhóm, con số này chỉ là 1 tấn”.
Trở lại với chiếc Cessna Conquest II, khi cảnh sát chống ma túy quần đảo Galapagos tiến hành xác minh lai lịch của máy bay thì được biết chủ nó là một nhà kinh doanh bất động sản ở thủ đô Quito nhưng nó đang được đưa vào một cơ xưởng để sửa chữa do trục trặc hệ thống cánh lái đuôi.
Tiếp xúc với các kỹ sư cơ xưởng, họ cho biết máy bay đã sửa xong và ngày 3/1/2023, họ đồng ý cho nó bay thử, người lái là ông Joaquin, phi công riêng của nhà kinh doanh bất động sản. Lúc gặp ông Joaquin, cảnh sát lại bất ngờ khi Joaquin cho biết ông chẳng hề bay trong ngày hôm đó vì ông đi khám bệnh.
Các bác sĩ ở Khoa hô hấp, Bệnh viện trung tâm Quito cũng xác nhận rằng ông Joaquin đã có mặt ở bệnh viện từ 10 giờ sáng 3/1/2024 và ra về lúc 16 giờ 30 cùng ngày sau khi đã làm xong các xét nghiệm. Theo bà Carmen, vợ ông Joaquin, từ lúc ở bệnh viện về, ông chỉ ở nhà rồi ăn cơm tối với gia đình.
Riêng Đài kiểm soát không lưu sân bay Quito nói rằng với các loại máy bay du lịch, phi công chỉ cần báo số hiệu máy bay và hướng hành trình là được phép cất cánh. Trung tá Victor John Coronado nói: “Lập tức tôi gọi về đảo Isabela, ra lệnh cho cảnh sát địa phương canh giữ chiếc Cessna Conquest II nhưng khi cảnh sát đến nơi thì máy bay đã biến mất từ hồi nào rồi”.
Theo ông Charles Kriston, nhân viên trực Đài kiểm soát không lưu sân bay José de Villamil thì ông chỉ vào sân bay nếu ngày hôm đó Đài không lưu Quito thông báo có máy bay cất, hạ cánh, còn không thì ông ở nhà nên ai đó đến lấy máy bay, ông không biết!
Ông nói: “Lúc cảnh sát phát hiện 40 thùng xăng, tôi đã đề nghị họ canh giữ máy bay hoặc lắp camera theo dõi nhưng Thiếu tá William Albán Durán, chỉ huy cảnh sát đảo Isabela cho biết ông ấy chỉ có 20 nhân viên và phải dàn trải rất nhiều việc, còn lắp camera thì không thể mua vì không có tiền!
Tin cuối cùng được Latin America Today cho biết Thiếu tá William Albán Durán cùng 5 sĩ quan cảnh sát thuộc đội của ông đã bị tạm giữ để điều tra hình sự vì có liên quan đến vụ biến mất của chiếc máy bay. Theo Viện Công tố Ecuador, có cơ sở để tin rằng William Albán Durán đã nhận tiền hối lộ để chủ các “trạm xăng” cho người vào sân bay tẩu tán tang vật…
VŨ CAO
(Theo Latin America Today)