Dải Gaza cần hàng chục tỷ USD và nhiều thập kỷ để phục hồi kinh tế

Thứ Năm, 01/02/2024, 18:22 [GMT+7]
In bài này
.

Hội nghị LHQ về Thương mại và phát triển (UNCTAD) ngày 31/1 đã công bố báo cáo, đánh giá rằng cuộc xung đột tại Dải Gaza đang gây ra mức độ tàn phá chưa từng có đối với nền kinh tế, vì vậy vùng lãnh thổ này cần hàng chục tỷ USD và nhiều thập kỷ để có thể phục hồi.

Người tị nạn Palestine xếp hàng lấy nước sinh hoạt tại khu lều tạm ở Dải Gaza ngày 16/1/2024.
Người tị nạn Palestine xếp hàng lấy nước sinh hoạt tại khu lều tạm ở Dải Gaza ngày 16/1/2024.

Báo cáo của UNCTAD đề cập mức độ ảnh hưởng kinh tế-xã hội của cuộc khủng hoảng, trong đó có xét tới thiệt hại về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thời gian phục hồi và các tác động lâu dài đối với tình trạng nghèo đói và chi tiêu hộ gia đình.

Báo cáo ước tính GDP hằng năm của Gaza đã giảm 655 triệu USD trong năm 2023, tương đương 24%. Khoảng 80% dân cư ở vùng lãnh thổ này phải sống dựa vào nguồn viện trợ quốc tế; hơn 60% dân số sống dưới mức nghèo khổ và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 45% trước khi xung đột bùng phát.

Người dân Gaza không thể tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch và điện. Bên cạnh đó, phần lớn thiệt hại vì các hoạt động quân sự trước đây của Israel vẫn chưa được khắc phục.

UNCTAD dự báo Dải Gaza cần nhiều thập kỷ để có thể khôi phục điều kiện kinh tế - xã hội về mức trước xung đột và công cuộc này còn phụ thuộc đáng kể vào viện trợ nước ngoài. Báo cáo của UNCTAD hối thúc cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức trước khi quá muộn.

Bản báo cáo của UNCTAD được công bố trong bối cảnh Hội đồng Bảo an LHQ ngày 31/1 nhóm họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng Trung Đông, các phán quyết tạm thời của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) liên quan tới những cáo buộc diệt chủng ở Dải Gaza và tình hình cứu trợ nhân đạo tại dải đất ven biển này.

Phát biểu cùng ngày, Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho rằng người dân Gaza đang chết đói do những hạn chế áp đặt đối với công tác viện trợ nhân đạo.

Theo ông, nguy cơ xảy ra nạn đói ở vùng lãnh thổ này của Palestine vốn đã ở mức cao và giờ còn nghiêm trọng hơn trong bối cảnh không gian can thiệp nhân đạo ngày càng bị thu hẹp ở mọi phương diện.

Nhấn mạnh rằng “người dân Palestine tại Dải Gaza đang sống trong một thảm họa lớn” và tình hình có thể còn trở nên tồi tệ hơn nữa, ông Ryan nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm an toàn cho người dân Gaza cũng như các cơ sở y tế của họ.

Trong phát biểu của mình, ông Ryan cũng nhấn mạnh rằng người dân tại Gaza không thể tồn tại nếu chỉ dựa vào viện trợ lương thực.

Việc phải đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng, sống trong không gian quá đông đúc và cái lạnh bủa vậy do thiếu nơi trú ẩn sẽ có thể tạo điều kiện cho các dịch bệnh lớn bùng phát, đặc biệt là ở trẻ em.

HẠNH NGUYÊN

;
.