Nhật Bản phát triển công nghệ tái chế quần áo

Chủ Nhật, 04/02/2024, 16:45 [GMT+7]
In bài này
.

Một trong những nhà sản xuất máy in lớn nhất thế giới-Seiko Epson của Nhật Bản đang lên kế hoạch thành lập doanh nghiệp tái chế quần áo dựa trên công nghệ tái chế giấy của mình. Dự kiến, doanh nghiệp mới sẽ được thành lập sớm nhất là vào năm 2025, khi lệnh cấm tiêu hủy quần áo không bán được của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực.

Các phương pháp tái chế thông thường hiện nay tách sợi bằng cách sử dụng lưỡi quay để cắt quần áo, tỷ lệ thu hồi sợ chỉ đạt khoảng 10%. Trong khi đó, phương pháp do Seiko Epson phát triển được cho là có thể thu hồi hơn 50% sợi và công ty đặt mục tiêu cuối cùng sẽ đạt được 100%.

Để phát triển công nghệ, Seiko Epson đã hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dệt may Hong Kong (Trung Quốc) - nơi sở hữu công nghệ kéo sợi tiên tiến. Trung tâm này có mối quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn quần áo khổng lồ toàn cầu, bao gồm cả sự hỗ trợ tài chính từ công ty quần áo H&M của Thụy Điển. Seiko Epson sẽ tận dụng các mối quan hệ của trung tâm để phát triển kênh bán hàng với các nhà sản xuất quần áo trên toàn thế giới.

Theo Nghị viện châu Âu, sản lượng quần áo toàn cầu đạt khối lượng 109 triệu tấn vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên 145 triệu tấn vào năm 2030. Ngoài việc tiêu thụ các nguyên liệu thô như bông, ngành sản xuất quần áo còn sử dụng một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch. Chính vì vậy, ngày càng xuất hiện nhiều lời chỉ trích việc sản xuất hàng loạt quần áo hợp thời trang - giá rẻ gây lãng phí tài nguyên và năng lượng.

EU đang dẫn đầu về các quy định nhằm giảm thiểu chất thải như vậy và các hành động của EU có thể có tác động lan tỏa toàn cầu. Từ tháng 9/2023, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận về việc tạo ra các quy tắc để cắt giảm chất thải, trong đó bao gồm việc tái chế và tái sử dụng quần áo.

Tại Nhật Bản, hãng thời trang Uniqlo đã hợp tác với công ty vật liệu Toray để ra mắt áo khoác lông vũ tái chế từ năm 2020 thông qua việc thu gom lông vũ từ áo khoác đã qua sử dụng. Phương pháp này được đánh giá là giúp giảm 20% lượng khí thải CO2 từ quá trình sản xuất.

Thu nhập của Seiko Epson từ thiết bị văn phòng chủ lực đang có xu hướng giảm do nhu cầu giấy giảm. Để đảm bảo nguồn doanh thu mới, công ty đặt mục tiêu phát triển các hoạt động kinh doanh mới với quy mô doanh thu 10 tỷ yen (67,9 triệu USD) vào năm 2025.

XUÂN GIAO

;
.