40 năm trước, vào một đêm mùa xuân tháng 4/1983, một tên trộm đã vượt qua hệ thống an ninh của Bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo La Mayer ở Jerusalem, Israel và lấy đi 106 chiếc đồng hồ quý hiếm trị giá hàng trăm triệu USD rồi biến mất không dấu vết. 40 năm sau, cũng vào tháng 4/2023, bà Shamrat, vợ của kẻ trộm bất ngờ trả lại 96 chiếc đồng hồ trong tổng số 106 chiếc đã bị lấy sau khi chồng bà qua đời…
4 chiếc đồng hồ đắt giá nhất trong số 96 chiếc được thu hồi. |
Vụ trộm bí ẩn
Vụ trộm được phát hiện sáng 17/4/1983 khi ông Rachel Hasson, giám đốc bảo tàng La Mayer mở cửa để bắt đầu một ngày làm việc bình thường. Ông nói: “Tôi không thể nào tin được khi trước mắt tôi, trong phòng trưng bày đồ tạo tác quý hiếm, các ổ khóa nằm vương vãi trên sàn, nhiều tủ kính bị mở, một số vật liệu mà kẻ trộm dùng để đóng gói như bìa các-tông, băng keo vứt rải rác. Ngoài ra còn có những đoạn dây cáp, dây điện và vỏ chai nước giải khát Coca-Cola”.
Vẫn theo ông Rachel Hasson, khi cảnh sát đến và sau khi kiểm tra, kẻ trộm đã lấy đi 106 chiếc đồng hồ, trong đó có chiếc bằng vàng khối, đính những viên hồng ngọc và kim cương do nghệ nhân Breguet làm riêng cho hoàng hậu Marie Antoinette, vợ của vua Louis XVI, Pháp, trị giá ở thời điểm ấy là 30 triệu USD, hoặc chiếc đồng hồ Sympathique cũng do nghệ nhân Breguet chế tạo năm 1793 với lịch mặt trăng, nhiệt kế thời tiết, trị giá 25 triệu cùng nhiều đồng hồ khác mà trong đó, chiếc có giá rẻ nhất cũng là 700.000USD. Ngoài ra, một số bức tranh và nhiều đồ trang sức quý hiếm cũng mất.
Tiến hành thẩm vấn 2 cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ, họ cho biết đêm đó cả hai đều ngủ say vì chủ quan, rằng từ ngày bảo tàng mở cửa đến thời điểm ấy, chẳng hề xảy ra sự cố gì. Điều kỳ lạ hơn nữa là trong đêm xảy ra vụ trộm, toàn bộ hệ thống báo động của bảo tàng đều bị hỏng!
Ngược dòng thời gian, bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo La Mayer được Vera Frances Bryce Salomons, nhà quý tộc và cũng là nhà từ thiện người Anh gốc Do Thái xây dựng năm 1960 với hy vọng thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa người Do Thái và người Arab.
Sau khi bảo tàng hình thành, nữ giáo sư Leo Aryeh Mayer - lúc ấy là trưởng khoa nghệ thuật Hồi giáo của trường đại học Do Thái ở Jerusalem, Israel, đã trao tặng cho bảo tàng bộ sưu tập cá nhân của mình với hơn 2.000 chiếc đồng hồ, trong đó nhiều chiếc có niên đại từ thế kỷ XV. Cảm kích trước nghĩa cử này, Vera Frances Bryce Salomons lấy tên của bà đặt cho bảo tàng và từ đó, nó chính thức được gọi là Bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo La Mayer.
Năm 1974, bảo tàng La Mayer chính thức mở cửa cho khách tham quan với 4.000 hiện vật, bao gồm đồ trang sức, đồ gốm, tranh, thảm, vũ khí và kinh Qur'an, trong đó phòng trưng bày hơn 200 chiếc đồng hồ quý hiếm là điểm nhấn, thu hút nhiều người đến chiêm ngưỡng nhất. Theo thống kê, từ khi mở cửa đến ngày xảy ra vụ trộm, trung bình mỗi năm bảo tàng đón trên 1 triệu du khách.
Ngay sau khi xảy ra vụ trộm, Cơ quan an ninh nội địa Israel (Shin Bet) lập tức thông báo cho tất cả các cửa hàng đồng hồ, trang sức trên toàn quốc hãy gọi ngay cho họ nếu có ai đến bán đồ vật bị mất cắp. Bên cạnh đó, họ còn gửi cho Văn phòng Interpol ở nhiều quốc gia trên thế giới hình ảnh của 106 chiếc đồng hồ kèm theo lời đề nghị hỗ trợ để tìm ra thủ phạm, đồng thời treo thưởng 2 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin giúp họ khám phá vụ trộm này. Các đặc tình của Shin Bet cũng được cài cắm trong các băng nhóm tội phạm nhưng không tìm thấy bất kỳ một thông tin gì về vụ trộm.
Năm 2009, Ông Rachel Hasson, giám đốc bảo tàng La Mayer trong một lần trả lời phỏng vấn của tờ Thời báo Tài chính - Financial Times, đã nói: “Nhiều lần chúng tôi nhận được những cuộc gọi nặc danh, người gọi cho rằng họ đã nhìn thấy một vài chiếc đồng hồ trong bộ sưu tập xuất hiện ở chỗ này, chỗ kia nhưng qua kiểm tra, tất cả đều là tin vịt.
Thậm chí có lần chúng tôi cùng các đặc vụ Shin Bet sang tận Thái Lan vì có nguồn tin báo rằng chiếc đồng hồ Sympathique đang được bày bán tại một cửa hàng vàng bạc đá quý ở Bangkok nhưng khi đến nơi, đúng là có chiếc Sympathique nhưng là hàng nhái, giá chỉ 10USD!”.
Từ đó, vụ trộm theo thời gian trôi vào quên lãng. Mãi đến tháng 9/2020, một nhà buôn cổ vật ở Tel Aviv, Israel, là Frumin nhận được điện thoại của một phụ nữ giấu tên, đề nghị ông giúp định giá một chiếc đồng hồ, địa điểm gặp gỡ tại một quán cà phê. Ngay khi vừa nhìn thấy nó, Frumin đã có linh cảm nó là 1 trong 106 chiếc đồng hồ bị đánh cắp hồi năm 1983 nên Frumin tìm kế hoãn binh, rằng ông cần thêm thời gian để tìm hiểu về niên đại và lịch sử ra đời của nó.
Vài ngày sau, có thêm một cuộc điện thoại nữa gọi đến cho Frumim nhưng lần này là của một luật sư, đại diện cho người phụ nữ bí ẩn. Nội dung cuộc trao đổi giữa ông luật sư và Frumin cho thấy thân chủ của ông hiện đang giữ 39 chiếc đồng hồ bị đánh cắp, bao gồm cả đồng hồ của hoàng hậu Marie Antoinette, và bà ta muốn giao chúng lại cho bảo tàng La Mayer nhưng với điều kiện bảo tàng không được báo cảnh sát, và cũng không tìm hiểu về nhân thân, lai lịch của bà.
Tiến hành trao đổi với bảo tàng La Mayer, giám đốc Rachel Hasson đồng ý với những điều kiện mà người phụ nữ bí ẩn nêu ra, đồng thời ông còn trả cho người phụ nữ ấy 3,5 triệu USD để bảo đảm rằng bảo tàng sẽ nhận lại những báu vật. Thế nhưng không hiểu vì sao, tháng 11/2021 những thông tin về vụ trao đổi lại xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Israel.
Cái kết bất ngờ
Và thế là một lần nữa, Shin Bet vào cuộc. Tiến hành thẩm vấn luật sư cũng như giám định 39 chiếc đồng hồ đã được bảo tàng La Mayer thu hồi, các đặc vụ Shin Bet tìm ra danh tích của người phụ nữ. Đó là bà Nili Shamrat, người Israel nhưng từ lâu sống tại thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ.
Kết quả điều tra cho thấy bà Shamrat là vợ của Diller, một kẻ bất hảo đã từng cướp ngân hàng ở Tel Aviv hồi năm 1972. Theo lời khai của bà Shamrat, bà gặp Diller ở Tel Aviv năm 1970. Cả hai giữ mối quan hệ tình cảm đến năm 1972, khi Diller vào tù thì bà chuyển đến Los Angeles.
Năm 1980, Diller ra tù nhưng mãi đến 1989, bà Shamrat mới gặp lại anh ta. Cả hai kết hôn năm 2003. Một năm sau, Diller chết vì bệnh nhưng trước khi chết, anh ta kể cho bà về vụ trộm 106 chiếc đồng hồ cùng nơi cất giấu nó. Theo bà Shamrat, rất nhiều năm bà đã bị dằn vặt về hành động của người chồng, và việc liên lạc với nhà buôn cổ vật Frumin là bước đầu tiên để bà có thể trả lại những gì mà người chồng quá cố của bà đã trộm cắp. Bà cũng cho biết bà từ chối nhận 3,5 triệu USD mà ông Rachel Hasson muốn tặng cho bà.
Tháng 4/2023, dựa trên lời khai của bà Shamrat, phía Israel thu hồi được 96 chiếc đồng hồ trong tổng số 106 chiếc bị trộm, được Diller dấu ở nhiều nơi, từ Tel Aviv, Israel đến Munic, Đức, Los Angeles, Mỹ... Diller say mê những chiếc đồng hồ này đến nỗi anh ta giữ nó trong tình trạng hoàn hảo và mỗi chiếc đồng hồ, Diller đều kèm theo một mảnh giấy nhỏ, ghi chép tất cả những bộ phận, những viên kim cương, hồng ngọc đính trên dây đeo, mặt số. Ông Rachel Hasson, giám đốc bảo tàng La Mayer nói: “Diller hoàn toàn có thể tháo những viên kim cương, hồng ngọc ra để bán và chắc chắn sẽ chẳng ai phát hiện nhưng anh ta đã không làm thế. Như vậy động cơ của anh ta khi thực hiện vụ trộm là gì...”.
Về phía bà Shamrat, mặc dù đã tự nguyện giao nộp những thứ do chồng bà trộm được nhưng bà vẫn bị bang California, Mỹ, kết án 5 năm quản chế không giam giữ và 300 giờ lao động công ích vì đã “giữ tài sản phạm tội của người khác từ 2004 đến 2020”, là năm mà bà Shamrat điện thoại cho nhà buôn cổ vật Frumim, đồng thời còn bị trường trung học Los Alamo sa thải khỏi vị trí giáo viên.
Phát biểu sau cùng trong phiên xét xử, bà nói: “Tôi chỉ biết tường tận về tội lỗi của chồng tôi 1 ngày trước khi anh ấy nhắm mắt lìa đời...”.
VŨ CAO (Theo Heritage)