Các nhà lãnh đạo thế giới hôm 20/9 đã kêu gọi những nỗ lực khẩn cấp nhằm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu, với lo ngại về một vụ thu hoạch “thảm họa” vào năm tới do cuộc chiến ở Ukraine.
Thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở thành phố Kharkov, Ukraine. |
Bên lề khóa họp Đại hội đồng LHQ đang diễn ra tại New York, Mỹ các Bộ trưởng từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Liên minh châu Phi (AU) và Tây Ban Nha đã gặp nhau để bàn về tình trạng thiếu lương thực - vốn được coi là nhân tố chính dẫn đến xung đột và bất ổn.
Tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6 được tổ chức ở Đức, Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã cam kết chi 5 tỷ USD để chống lại tình trạng mất an ninh lương thực. Nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết tình hình vẫn còn nhiều điều cấp bách.
Trong bài phát biểu hôm 20/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết nước này sẽ tài trợ các chuyến hàng lúa mì của Ukraine đến Somalia, nơi đang đối mặt với nguy cơ nạn đói.
Ukraine là một trong những nước sản xuất ngũ cốc lớn nhất thế giới và cuộc xung đột với Nga đã khiến giá lương thực toàn cầu cùng nhiều hàng hóa quan trọng tăng vọt.
Mối quan tâm cũng đang gia tăng về tác động lâu dài của cuộc xung đột. Một báo cáo gần đây cho thấy khoảng 15% dự trữ ngũ cốc ở Ukraine đã bị mất đi kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu bùng phát. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng sự gián đoạn trong các chuyến hàng phân bón có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ thu hoạch trên khắp thế giới trong tương lai.
Ông Alvaro Lario, người sắp trở thành tân Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), cảnh báo rằng tác động từ tình hình có thể “tồi tệ hơn nhiều” so với đại dịch COVID-19. Ông kêu gọi thế giới cần những hành động dài hạn hơn, cùng hàng tỷ USD đầu tư để đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng thực phẩm và thích ứng với tình trạng khí hậu ấm lên.
Trong một báo cáo chung vào tháng 7, các cơ quan của LHQ bao gồm Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) cho biết có từ 702-828 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói vào năm 2021, tương đương 9,8% dân số thế giới. Con số này đã tăng thêm 46 triệu người so với năm 2020 và 150 triệu người so với năm 2019, cho thấy tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 đối với tình hình lương thực toàn cầu.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres gần đây cho biết thế giới có đủ lương thực vào năm 2022, nhưng vấn đề nằm ở khâu phân phối. Ông nói rằng nếu tình hình không ổn định trong năm nay, vào năm 2023 thế giới có nguy cơ thiếu lương thực thực sự.
HƯƠNG THỦY