Các quốc gia Thái Bình Dương triển khai sáng kiến bảo vệ di sản

Thứ Năm, 22/09/2022, 18:07 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 21/9, các quốc gia thuộc cụm đảo san hô vòng ở Thái Bình Dương đã triển khai cơ chế đối tác toàn cầu mới để bảo vệ chủ quyền và di sản khi các quốc gia này bị nước biển nhấn chìm vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

“Rising Nations Initiative” (tạm dịch: Sáng kiến các quốc gia trỗi dậy) được Thủ tướng Tuvalu Kausea Natano và Tổng thống quần đảo Marshall David Kabua công bố tại một sự kiện bên lề Khóa họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ). Các nước Đức, Mỹ và Canada là những nước ủng hộ đầu tiên.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Natano cho rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đang dẫn tới tương lai ngày càng bất định cho tất cả người dân ở hầu hết các vùng trên thế giới. Tuy nhiên, với khu vực Thái Bình Dương, tình trạng còn tồi tệ hơn.

Các đảo quốc Thái Bình Dương chỉ gây ra khoảng 0,03% lượng khí thải toàn cầu nhưng lại mất đi một diện tích đáng kể lãnh thổ trong thế kỷ này do nước biển dâng cao, trong đó nhiều nơi không thể sinh sống được ngay cả khi thế giới đạt mục tiêu kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,50C như đã nêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Về phần mình, Tổng thống David Kabua nêu rõ các nước trong khu vực đều hiểu rằng ngay cả khi nhiệt độ ấm lên 1,50C thì nước biển cũng vẫn dần nhấn chìm phần lớn diện tích các đảo.

Do đó, các nước trong khu vực mong muốn tìm được mối hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để bảo vệ quyền của các quốc gia trong tương lai, cũng như những di sản phong phú ở các nước này.

Tuvalu, Kiribati và quần đảo Marshall kêu gọi một cơ chế toàn cầu nhằm đảm bảo các nước này có thể tồn tại vĩnh viễn kể cả sau khi những đảo san hô vòng không còn có thể sinh sống được.

Sáng kiến trên nêu ra kế hoạch 4 điểm gồm: tái khẳng định cam kết của cộng đồng quốc tế để bảo vệ chủ quyền cho các quốc gia trong khu vực, triển khai chương trình thích ứng để tăng khả năng chống chịu và bảo vệ sinh kế cho người dân, bảo vệ các di sản văn hóa và ủng hộ các nước xin chứng nhận di sản thế giới từ Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của LHQ (UNESCO).

Mực nước biển dâng đã đe dọa các đảo san hô vòng ở Thái Bình Dương, dẫn tới tình trạng nước nhiễm mặn, thủy triều cao, bão ngày cành mạnh và lũ lụt trong khi các hệ thống phòng thủ tự nhiên đều suy yếu.

Tình trạng tẩy trắng các rạn san hô cũng làm giảm trữ lượng cá, cản trở du lịch phát triển, đẩy chi phí lên cao và buộc người dân phải rời bỏ nơi sinh sống.

LÊ ÁNH

;
.