.

G20 chuẩn bị nhóm họp tìm các giải pháp ứng phó dịch COVID-19

Cập nhật: 23:27, 13/04/2020 (GMT+7)

● Australia và New Zealand chưa nới lỏng các biện pháp hạn chế 

● Giới chức y tế Trung Quốc đề cao hiệu quả của việc đeo khẩu trang 

Theo hãng tin Saudi Press Agency, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ nhóm họp vào ngày 15/4 tới để thảo luận và thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm ứng phó những thách thức toàn cầu do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Như thông lệ, hội nghị tháng 4 của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 sẽ diễn ra tại Washington D.C. (Mỹ) bên lề Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Tuy nhiên, do diễn biến đáng quan ngại hiện nay của dịch COVID-19, các hội nghị của G20 sẽ diễn ra thường xuyên hơn và dưới hình thức trực tuyến.

Tại cuộc họp mới nhất (vào ngày 31/3), hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 đã nhất trí về một lộ trình ứng phó ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Lãnh đạo các nước G20 đã cam kết chi hơn 5.000 tỷ USD để hạn chế thiệt hại từ dịch bệnh đối với việc làm và thu nhập, đồng thời nỗ lực hạn chế tình trạng gián đoạn nguồn cung do chính sách đóng cửa biên giới của các nước.

Cả IMF và WB đều kêu gọi các bên chủ nợ hành động khẩn cấp để tạm ngừng việc thanh toán nợ cho những nước dễ bị tổn thương nhất, trong đó có một số quốc gia đã chịu ảnh hưởng nặng từ việc giá dầu lao dốc.

Về phần mình, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva hồi cuối tháng 3/2020 đã đánh giá cao các bước đi của G20, song vẫn tỏ ra quan ngại về viễn cảnh ảm đạm đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, đặc biệt là nguy cơ suy thoái tại các thị trường mới nổi và những quốc gia có thu nhập thấp.

●Ngày 13/4, giới chức Australia và New Zealand đã hoan nghênh những dấu hiệu thành công ban đầu trong kiềm chế tốc độ lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu. Tuy nhiên, cả giới chức hai nước đều thận trọng cho rằng còn quá sớm để nới lỏng các quy định giãn cách xã hội hoặc mở cửa lại nền kinh tế.

Thời gian qua, New Zealand đã áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc, trong khi Australia đã siết chặt nhiều hoạt động. Các biện pháp này đã giúp giảm mạnh số ca nhiễm mới tại Australia và New Zealand và không gây quá tải cho hệ thống y tế của mỗi nước.

Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho rằng, hiện còn quá sớm để nới lỏng các hạn chế dù đường cong các ca nhiễm đang phẳng dần. Theo ông, đây là thời điểm cần phải duy trì các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội, những biện pháp đã cho thấy tính hiệu quả trong việc giảm mạnh số ca nhiễm mới. Trong lễ Phục sinh vào cuối tuần qua, Australia đã triển khai các biện pháp mạnh tay như điều trực thăng, lập chốt kiểm soát và phạt nặng những người dân vi phạm lệnh cấm đi lại hoặc lệnh cấm tụ tập.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố quyết định về việc liệu có gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc và khẩn cấp quốc gia sẽ được đưa ra vào ngày 20/4 tới. Thủ tướng Adern cho rằng, dù số ca nhiễm tại nước này không lớn, song điều này không có nghĩa New Zealand đã thành công trong việc đẩy lùi dịch bệnh. 

Để giảm thiểu tác động của dịch bệnh, cả hai nước đã triển khai các gói chi tiêu rất lớn. Chính phủ Australia đã cam kết chi 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để hỗ trợ nền kinh tế. Cuối tuần qua, nhà chức trách Australia cũng đã thảo luận với các hãng hàng không Qantas Airways Ltd và Virgin Australia Holdings Ltd về việc giảm bớt các chuyến bay nội địa. 

● Người đứng đầu bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn ở Vũ Hán, tâm dịch ở Trung Quốc, ông Wang Xinghuan đã đề nghị bang New York của Mỹ khuyến khích người dân đeo khẩu trang nơi công cộng và ngừng việc cách ly bệnh nhân tại nhà nhằm kiềm chế dịch bệnh COVID-19. 

Lấy ví dụ từ bệnh viện thuộc đại học Vũ Hán, ông Wang Xinghuan cho biết, một số nhân viên y tế đã nhiễm bệnh vì không đeo khẩu trang khi tiếp xúc bệnh nhân ở giai đoạn đầu khi dịch bệnh mới bùng phát. Do đó, ông khẳng định việc đeo khẩu trang có hiệu quả cao giảm nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh. 

Quan chức y tế Vũ Hán cũng cho rằng, không nên yêu cầu bệnh nhân có triệu chứng nhẹ tự cách ly tại nhà vì họ có thể lây bệnh cho các thành viên khác trong gia đình. Theo ông, trong những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, có nhiều trường hợp một bệnh nhân lây cho cả gia đình có 3,5 hay thậm chí 6 người ở Vũ Hán. 

Sau khi nhận ra vấn đề này, nhà chức trách Vũ Hán đã chuyển các cơ sở công cộng như phòng tập gym, trung tâm triển lãm, thành 16 bệnh viện tạm thời để cách ly những người nhiễm bệnh có triệu chứng nhẹ. Ông Wang Xinghuan đánh giá sự thay đổi này đã cho thấy hiệu quả cao. Ông cũng cho rằng, để ngăn chặn dịch bệnh, ít nhất 1 trong 3 yếu tố gồm nguồn lây nhiễm, đường lây nhiễm và đối tượng dễ mắc bệnh, cần phải được kiểm soát hoàn toàn. 

ĐỨC ANH (Tổng hợp)

.
.
.