.

EC kêu gọi kéo dài thời gian giãn cách xã hội đối với người cao tuổi

Cập nhật: 21:44, 12/04/2020 (GMT+7)

* Anh cam kết 200 triệu bảng hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương * Quốc hội Canada thông qua chương trình trợ cấp lương khổng lồ * Lầu Năm Góc chi 133 triệu USD sản xuất khẩu trang N95

Nhân viên y tế đeo khẩu trang N95 và các thiết bị bảo hộ nhằm ngăn virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tại New York, Mỹ.
Nhân viên y tế đeo khẩu trang N95 và các thiết bị bảo hộ nhằm ngăn virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tại New York, Mỹ.

Ngày 12/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khuyến cáo rằng, người cao tuổi nên tiếp tục ở trong nhà cho đến hết năm 2020 để bảo vệ chính họ khỏi virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Bà Leyen cho biết: “Nếu không có vaccine, chúng ta phải hạn chế tối đa các cuộc tiếp xúc với người cao tuổi”. Bà cũng thừa nhận rằng việc này “rất khó khăn” và “cô lập là một gánh nặng, nhưng đây là vấn đề giữa sự sống và cái chết”, đồng thời bà nhấn mạnh “Chúng ta phải duy trì kỷ luật và kiên nhẫn”.

Theo Chủ tịch EC, trẻ em và giới trẻ sẽ được tự do đi lại sớm hơn người cao tuổi và những người có các bệnh lý nền. Bà cũng bày tỏ hy vọng một phòng thí nghiệm của châu Âu sẽ tìm ra vaccine trong năm nay. Để bảo đảm rằng mọi người có thể nhanh chóng được tiêm phòng, giới chức châu Âu đã thảo luận với các nhà sản xuất về việc tăng sản lượng ngay khi tìm ra vaccine.

 Ngày 12/4, Anh cam kết hỗ trợ 200 triệu bảng (248 triệu USD) cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức nhân đạo để làm chậm lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại những nước dễ bị tổn thương, và qua đó giúp ngăn chặn một đợt bùng phát mới tại Vương quốc Anh.

Quốc vụ khanh Phát triển Quốc tế của Anh, Anne-Marie Trevelyan nhấn mạnh, việc hỗ trợ các nước nghèo nhất sẽ giúp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập trở lại Vương quốc Anh. Bà Trevelyan cho biết: “Trong khi các bác sĩ và y tá giỏi của chúng tôi đang chiến đấu chống virus tại nhà, chúng tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm và ủng hộ tài chính cho các nước khác để phòng một đợt bùng phát dịch chết người thứ 2 tại Anh”.

Chính phủ Anh cho biết, 130 triệu bảng sẽ được gửi tới các cơ quan của Liên hợp quốc, trong đó 65 triệu bảng gửi cho WHO, 50 triệu bảng sẽ gửi tới Tổ chức Chữ thập đỏ để giúp các khu vực đang xảy ra chiến sự hoặc vùng sâu vùng xa, và 20 triệu bảng sẽ gửi tới các tổ chức từ thiện và nhân đạo khác. Số tiền trên sẽ giúp các khu vực có hệ thống y tế yếu kém như Yemen đang trong xung đột - nơi cũng vừa ghi nhận ca nhiễm đầu tiên ngày 10/4, và Bangladesh - nơi đang có hơn 850.000 người Rohingya tị nạn tại các khu trại đông đúc.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus  cho biết: “Sự đóng góp hào phóng của Anh là minh chứng mạnh mẽ cho thấy mối đe dọa toàn cầu cần cách ứng phó toàn cầu”. Ông Ghebreyesus khẳng định: “Chúng ta đều ở (trên Trái Đất này) cùng nhau, đồng nghĩa với việc bảo vệ sức khỏe toàn thế giới sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của người dân Anh”.

 Sáng 12/4, Quốc hội Canada đã thông qua chương trình trợ cấp lương của Chính phủ nhằm “bơm” hàng tỷ CAD vào các DN đang gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến ngày một nghiêm trọng.

Chương trình trợ cấp lương trị giá 73 tỷ CAD (trên 52 tỷ USD) đã được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua trong 1 ngày và Chủ tịch Hạ viện Anthony Rota nhận định đây là “một ngày đặc biệt trong một giai đoạn đặc biệt.” Dự luật về chương trình trợ cấp lương này cũng vừa nhận được sự phê chuẩn của Toàn quyền Canada Julie Payette.

Trong khuôn khổ của chương trình trên, Chính phủ liên bang sẽ trợ cấp 75% lương cho các DN, để người lao động có thể nhận được mức lương lên tới 847 CAD/tuần trong 12 tuần. Điều kiện để nhận trợ cấp là doanh thu của DN giảm 15% trong tháng 3/2020, hoặc giảm 30% trong tháng 4 hoặc tháng 5/2020.

Chỉ trong vài tuần lễ, nền kinh tế Canada đã dịch chuyển sang nền kinh tế trong thời chiến, với các gói chi tiêu khổng lồ của chính phủ và các biện pháp kiểm soát trực tiếp mức thu nhập của nhiều người dân. Văn phòng Ngân sách Quốc hội cảnh báo thâm hụt ngân sách của Canada trong tài khóa này có thể bị đẩy lên 132 tỷ USD, tương đương 8,5% GDP. Và Ottawa đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn, đó là duy trì “mạch sống” để nền kinh tế có thể phục hồi sau đại dịch, đồng thời đưa chi tiêu công vào tầm kiểm soát.

Liên quan đến đại dịch COVID-19, Thủ tướng Justin Trudeau nhận định người cao tuổi là nhóm “bị đe dọa” nhiều nhất. Ông biểu dương những nhân viên đang làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu là “những anh hùng”, khi họ chăm sóc sức khỏe cho dân, giúp người dân có thể ở nhà để dịch bệnh không lây lan.

 Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Michael Andrews ngày 12/4 cho biết, Lầu Năm Góc sẽ chi 133 triệu USD trong các hợp đồng sử dụng nguồn ngân sách được cấp phép theo Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA) để sản xuất khẩu trang N95 dành cho các nhân viên y tế và những người ở trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trung tá Andrews nêu rõ: “Việc tăng sản xuất khẩu trang N95 sẽ bảo đảm rằng Chính phủ Mỹ đạt được năng lực công nghiệp lâu dài và chuyên sâu. Những thông tin chi tiết, bao gồm cả tên của các công ty, sẽ được cung cấp trong những ngày tới khi hợp đồng được thông qua”.

Khoản ngân sách nói trên đánh dấu việc vận dụng lần đầu tiên đối với DPA, vốn cho phép đầu tư có định hướng vào các năng lực quan trọng. Theo Trung tá Andrews, hàng sẽ được giao trong vòng 90 ngày tới.

ĐỨC ANH (Tổng hợp)

.
.
.