.

Cuộc đào thoát thần kỳ từ trại diệt chủng Auschwitz - Bài 1: Không trốn cũng chết

Cập nhật: 08:06, 18/05/2018 (GMT+7)

Tháng 9-1939, Đức Quốc xã chiếm Ba Lan, châm ngòi cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Chỉ trong 3 tuần đầu, 65.000 thường dân bao gồm người Ba Lan gốc Do Thái, người Rumani, gái mại dâm và bệnh nhân tâm thần đã bị lính Đức tàn sát.

Những người “được cho sống” để làm việc đứng riêng một bên.
Những người “được cho sống” để làm việc đứng riêng một bên.

Tháng 5-1940, theo lệnh Hitler, trại tập trung Auschwitz được xây dựng trên đất Ba Lan. Đây là nơi giam giữ các tù nhân Pháp, Bỉ, Áo, Ba Lan, Hungary, Rumani, Tiệp Khắc, Ucraine, Na Uy, Đan Mạch…, gốc Do Thái. Trong suốt 5 năm kể từ khi trại tập trung này hoạt động đến khi chiến tranh kết thúc (1940 - 1945), đã có khoảng 1,1 triệu tù nhân ở Auschwitz bị giết trong các phòng hơi ngạt và chỉ có 14 vụ trốn trại thành công. Trong đó nổi tiếng nhất là vụ trốn trại do Kazimierz Piechowski và 3 bạn tù của ông thực hiện… 

ĐỊA NGỤC AUSCHWITZ

Khi Đức Quốc xã chiếm Ba Lan, Kazimierz Piechowski vừa tròn 20 tuổi. Lúc ấy ông là sinh viên ngành thiết kế cầu đường tại Đại học kỹ thuật Warsaw. Tận mắt chứng kiến những hành động dã man của lính Đức, Piechowski tham gia phong trào kháng chiến và hoạt động đầu tiên của ông là cùng các du kích đặt mìn phá hủy cây cầu đường sắt bắc qua sông Vistula nhằm ngăn cản việc vận chuyển vũ khí đạn dược của Đức Quốc xã.

Tháng 12-1939, Cơ quan mật vụ Gestapo Đức Quốc xã bắt được một liên lạc viên kháng chiến. Chịu không nổi sự tra tấn, người này khai ra những thành viên đã tham gia phá cầu, trong đó có Piechowski. Được báo động, Piechowski cùng Alfons “Alki” Kiprowski, 19 tuổi, là trinh sát của phong trào kháng chiến tìm đường sang Pháp để tiếp tục tham gia lực lượng “Ba Lan tự do”. Tuy nhiên, lúc vượt qua biên giới để vào Hungary, cả Piechowski lẫn Kiprowski bị lính Đức bắt. Piechowski kể: “Thoạt đầu, họ đưa chúng tôi vào nhà tù của Gestapo ở Baligrod. Tại đây, một sĩ quan mật vụ Đức nói với tôi rằng: “Lẽ ra tao đã bắn mày. Nhưng không! Tao có cái thứ còn thú vị hơn nữa dành cho mày”.

Mấy ngày sau, Piechowski và Kiprowski được đưa đến nhà tù Sanok rồi tiếp theo là nhà tù Montelupich ở Krakow. Ngày 20-6-1940, điểm dừng chân cuối cùng của họ là trại tập trung Auschwitz với tội danh “chống lại Đệ Tam đế chế, đặt mìn phá cầu”.

Cũng cần nói thêm rằng mỗi khi có tù nhân chuyển đến trại Auschwitz, một số ít còn khỏe mạnh sẽ được trại trưởng là trung tá Rudolf Hoss cho sống để làm việc. Số còn lại bị đưa vào phòng hơi ngạt. Trong số những người “được cho sống”, có Piechowski. Với chiếc áo tù mang số 918, nhiệm vụ của Piechowski là lúc các tù nhân đã bị đưa vào phòng hơi ngạt, và đã chết, ông cùng một số tù nhân khác mở cửa lấy xác họ ra, chất lên những chiếc xe gòng, đẩy xuống lò thiêu. Theo Piechowski, trung bình mỗi ngày có khoảng 600 tù nhân bị đưa vào phòng hơi ngạt nhưng đến cuối năm 1941, ngày nào cũng có 2.000 tù nhân bị giết. Hơi ngạt không đủ, thiếu tá Erich Kraunn, phó chỉ huy trại, bắt chước “sáng kiến” của trại Sobibor - cũng là một trại tập trung nằm trên đất Ba Lan - Kraunn ra lệnh cho tù nhân tháo động cơ công suất 200 mã lực của một chiếc xe tăng rồi đặt lên một cái bệ lớn bằng bê tông, ống khói nối dài ra, đi thẳng vào một phòng kín diện tích 100m2. Sau khi lùa 600 tù nhân vào phòng, đóng chặt cửa, Erich đích thân bật công tắc khởi động. Và do công suất động cơ đã được chỉnh hết mức nên chỉ trong 30 phút, tất cả tù nhân đều chết do ngộ độc khí dioxit carbon. Lúc ông ta ra lệnh cho tù nhân mở cửa đưa xác sang lò thiêu, cả 600 thi thể vẫn đứng sát nhau vì không gian quá chật, chẳng còn chỗ để họ ngã xuống!

Thời điểm cuối năm 1941, trại Auschwitz có hơn 900 tù nhân, cả nam lẫn nữ được trung tá Rudolf Hoss “cho sống để làm việc”. Theo Piechowsk, khi có những tù nhân mới đến, lính Đức sẽ chọn ra một số còn khỏe mạnh rồi hỏi họ: “Trước kia làm nghề gì?”. Tùy vào câu trả lời, người được hỏi hoặc là đứng riêng một bên, hoặc vẫn đứng yên trong hàng. Những người đứng riêng là thợ may, thợ đóng giày, kim hoàn, cơ khí, thợ mộc, thợ xây dựng và thợ ống nước. Số còn lại bị bắt phải cởi hết quần áo rồi bước vào “phòng tắm” số 1, 2, 3 để “làm vệ sinh, ngăn ngừa những bệnh truyền nhiễm” nhưng  thực chất là phòng hơi ngạt. Tất cả đều chết sau 10 phút “tắm rửa, khử trùng”.

Sau này, khi đã trốn thoát, Piechowski kể về công việc của những tù nhân “được cho sống” như sau: Tù nhân nữ trong đội lao động có nhiệm vụ cắt lấy tóc trên các tử thi nữ rồi kết thành từng cuộn. Tóc này sau đó được gửi về Đức để làm áo chống đạn. Họ cũng bẻ răng vàng trong miệng tử thi, thu hồi những gọng kính bằng vàng hoặc bạc, đồng thời tìm kiếm nữ trang giấu trong quần áo, số còn lại làm việc trong xưởng may. Tù nhân nam một số làm nhiệm vụ nấu chảy nữ trang, đúc thành từng thỏi, số khác làm ở xưởng đóng giày, xưởng cơ khí nhưng phần lớn vẫn là lấy xác chết ra khỏi các phòng hơi ngạt, đưa vào lò thiêu. Thiêu xong, tro cốt của họ được đổ xuống những chiếc hố dài 60m, rộng 15m, sâu 7m rồi lấp đất và trồng cây. Cho đến khi chiến tranh kết thúc, 1,1 triệu tù nhân, phần lớn là người Do Thái đã bị giết ở trại Auschwitz.

ÂM MƯU ĐÀO THOÁT

Sau khi lấy ra khỏi phòng hơi ngạt, xác tù nhân bị cho vào lò thiêu.
Sau khi lấy ra khỏi phòng hơi ngạt, xác tù nhân bị cho vào lò thiêu.

Ngày 20-6-1942, với nhiệm vụ chỉ huy nhóm tù nhân lấy xác từ phòng hơi ngạt rồi đưa xuống lò thiêu, Piechowski được phép đọc danh sách những người sẽ bị hành quyết để lập kế hoạch vận chuyển xác. Ông nói: “Thông thường, những tù nhân được trưởng trại Rudolf Hoss “cho sống để làm việc” thì sau 3 hoặc 6 tháng, 1/3 sẽ bị giết vì lý do ốm yếu, lười biếng hoặc vô tình biểu lộ thái độ thương xót thân nhân, bạn bè mình. Đôi khi có người bị giết chỉ vì một sĩ quan Đức nào đó “nhìn thấy ghét”. Thế nên, lúc đọc bản danh sách những tù nhân sẽ bị đưa vào phòng hơi ngạt, trong đó có tên Eugeniusz Bendera, thợ cơ khí quê ở Czortkw, Ukraine, là bạn thân tôi, tôi quyết định trốn vì tôi biết sớm muộn gì tôi cũng theo chân anh ấy…”.

Nguyên nhân dẫn tới việc Eugeniusz Bendera nằm trong danh sách những người sẽ bị đưa vào phòng hơi ngạt là trong số những tù nhân mới được chuyển đến, có 2 thợ cơ khí được chọn để làm việc nên Eugeniusz Bendera trở thành người thừa. Tuy nhiên, việc trốn thoát khỏi trại tập trung Auschwitz là chuyện không đơn giản. Ngoài 6 lớp hàng rào thép gai cùng 24 chòi canh, trên chòi lúc nào cũng có 2 lính Đức với 1 khẩu đại liên thì còn 240 lính SS - là binh chủng thiện chiến hàng đầu của Đức Quốc xã - cùng 24 con chó săn. Lực lượng này chia làm 6 ca, mỗi ca chịu trách nhiệm tuần tra 4 tiếng trong phạm vi trại. Nếu may mắn trốn ra được, người đào thoát còn phải đối mặt với 3 bãi mìn, bao bọc 3 mặt trại, mỗi bãi dài 500m, rộng 150m. Piechowski nói: “Nếu ai đó muốn trốn bằng cổng chính thì tỷ lệ thành công là con số 0 vì từ cổng đến bìa rừng có 4 trạm gác. Lính SS sẽ bắn ngay khi bạn vừa bước qua khỏi trạm gác đầu tiên…”. 

VŨ CAO
(theo History)


Cuộc đào thoát thần kỳ từ trại diệt chủng Auschwitz - Bài 1: Không trốn cũng chết

Cuộc đào thoát thần kỳ từ trại diệt chủng Auschwitz - Bài cuối: Ve sầu thoát xác

.
.
.