.

Điểm ít biết về bãi thử hạt nhân Punggye-ri

Cập nhật: 18:51, 17/05/2018 (GMT+7)

Nằm dưới một ngọn núi ở Đông Bắc Triều Tiên, bãi thử Punggye-ri là nơi chính quyền Bình Nhưỡng đã cho thử nghiệm 6 vụ nổ hạt nhân từ năm 2006, vụ gần đây nhất là tháng 9-2017.

Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.
Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.

Punggye-ri được cho là bãi thử hạt nhân chính của Triều Tiên đồng thời là bãi thử hạt nhân duy nhất còn hoạt động trên thế giới.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa thông báo, bãi thử này sẽ bị đóng cửa vào khoảng 23 đến 25-5 tới và sẽ mời các nhà báo nước ngoài đến đưa tin. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, bãi thử này đã sập một phần và không còn sử dụng được.

HỆ THỐNG ĐƯỜNG HẦM

Vì Triều Tiên là một quốc gia khép kín nên hầu hết những thông tin mà người ngoài biết được về bãi thử này chỉ là ảnh vệ tinh và thông tin về việc vận chuyển thiết bị đến đây.

Các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên diễn ra bên trong một hệ thống đường hầm được đào phía dưới Núi Mantap, rất gần bãi thử. Các chuyên gia theo dõi tình hình Triều Tiên thường xem xét kỹ càng việc đào bới tại các đường hầm này để lấy manh mối về việc liệu Triều Tiên có đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới hay không.

Trước thềm vụ thử hạt nhân gần đây nhất của Triều Tiên 3-9-2017, hình ảnh chụp từ vệ tinh 1 tháng trước đó cho thấy, bãi thử này trong tình trạng sẵn sàng cho một vụ thử. Theo đó, việc đào bới được phát hiện từ đầu năm với các thiết bị chưa thể nhận diện được đặt ở bên ngoài một trong các đường hầm.

Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên vào 9-10-2006, lần 2 vào 25-2-2009. Các vụ thử tiếp theo diễn ra vào 12-2-2013, và 6-1-2016, 9-9-2016. Vụ thử hạt nhân lần 6 và gần đây nhất là 3-9-2017.

Thiết bị thử được chôn ở cuối đường hầm, với phần cuối có hình cái móc. Khi bắt đầu thử nghiệm, đường hầm được lấp để ngăn ngừa rò rỉ phóng xạ rồi sau đó, thiết bị được kích nổ.

SẬP Ở BÃI THỬ

Các nhà khoa học cho biết, khoảng 8,5 phút sau khi thử hạt nhân gần nhất xảy ra, một phần của bãi thử Punggye-ri đã sập. Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, sập thẳng đứng ở khu vực trung tâm bãi thử. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ đã ghi được chấn động lần 2 sau vụ thử và đây được coi là vụ sập xảy ra ở bãi thử. Tới tháng 12, có 2 dư chấn được ghi nhận Punggye-ri, làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của các ngọn núi quanh đó.

Tháng 10-2017, một hãng tin Nhật cho biết, trong quá trình xây dựng, một đường hầm ở Punggye-ri đã sập, làm 200 công nhân thiệt mạng.

NGUY CƠ VỚI CÁC KHU VỰC LÂN CẬN

Sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, người dân Trung Quốc sống tại các thị trấn và thành phố sát với biên giới Triều Tiên cho biết, họ cảm nhận được các chấn động vào thời điểm vụ thử hạt nhân xảy ra. Theo Global Times, các em học sinh ở thành phố Yanji, cách biên giới Triều Tiên 10km đã phải chạy ra ngoài trời do mặt đất rung chuyển.

Ở phía Triều Tiên, gần với bãi thử hạt nhân là làng Punggye-ri và cách đó 80km là thành phố Chongjin. Tuy nhiên, chưa rõ người dân những nơi này có phải đi sơ tán hay được cảnh báo trước khi thử hạt nhân diễn ra hay không.

LIỆU CÓ RÒ RỈ PHÓNG XẠ?

Triều Tiên tuyên bố, không có rò rỉ phóng xạ sau vụ thử mới nhất. Cơ quan an toàn hạt nhân Trung Quốc và Ủy ban an ninh và an toàn hạt nhân Hàn Quốc đã tiến hành giám sát khẩn cấp về phóng xạ sau khi các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Các chuyên gia ở nhóm phân tích 38North - chuyên theo dõi các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên cho biết, các nuclit phóng xạ - sản phẩm của phản ứng hạt nhân được giải phóng vào không khí, đã được phát hiện sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 2-2013.

HOÀI LINH

.
.
.