.

Hành trình lịch sử 45 năm của điện thoại di động

Cập nhật: 16:22, 08/04/2018 (GMT+7)

Vào một ngày đầu tháng 4 năm 1973, một người đàn ông đi dạo trên Đại lộ số Sáu ở TP.New York (Mỹ), trên tay cầm một thiết bị “nhìn giống như viên gạch”, dài 25cm nặng gần 1kg. Không ai tưởng tượng được rằng thiết bị thô kệch đó có giá gần 4.000 USD và đó là sự khởi đầu cho cuộc cách mạng thay đổi cuộc sống con người.

Martin Cooper giữ điện thoại Motorola DynaTAC, điện thoại di động cầm tay thương mại đầu tiên trên thế giới và một phiên bản hiện đại hơn. Ảnh: REUTERS
Martin Cooper giữ điện thoại Motorola DynaTAC, điện thoại di động cầm tay thương mại đầu tiên trên thế giới và một phiên bản hiện đại hơn.

Chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới có tên Motorola DynaTAC. Người đầu tiên sử dụng, cũng là người sáng chế ra điện thoại này là Tiến sĩ Martin Cooper - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của hãng viễn thông Motorola. Vào ngày hôm đó (ngày 3-4-1973), trên đường phố, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên, ông đã dùng chiếc điện thoại không dây của mình để thực hiện cuộc gọi đến cho Joel Engel - đối thủ lớn nhất của ông, khi đó là trưởng phòng nghiên cứu một công ty thuộc Tập đoàn viễn thông AT&T. “Joel, Martin đây, tôi đang gọi cho anh từ một chiếc điện thoại di động, một chiếc điện thoại cầm tay di động thực sự!” - Đó là câu nói lịch sử giúp cho Motorola giành chiến thắng trước AT&T trong cuộc đua nghiên cứu, phát triển thiết bị viễn thông không dây, cũng như giúp Cooper trở thành “cha đẻ” của điện thoại di động, mặc dù lúc đó, Joel Engel cũng đang phát triển một thiết bị không dây tương tự.

Sự ra đời của điện thoại di động đã mở ra kỷ nguyên mới trong lĩnh vực viễn thông, làm thay đổi về căn bản hoạt động của thiết bị truyền thông khi thực hiện cuộc gọi đến một cá nhân xác định, thay vì đến một địa điểm. Đây chính là bước ngoặt, giúp điện thoại di động dần trở thành một thiết bị không thể thiếu đối với phần lớn người dân trên Trái Đất, thậm chí nó đã gần như đã thay thế điện thoại cố định.

Motorola đã đầu tư 100 triệu USD để nghiên cứu và khoảng 3.500 USD để chế tạo chiếc DynaTAC đầu tiên. Tuy nhiên, phải tới 10 năm sau đó, thiết bị này mới được phát triển thương mại và bán ra thị trường với giá bán lẻ lên đến gần 4.000 USD. Thời bấy giờ, khối pin của điện thoại Motorola nặng gấp 4-5 lần điện thoại ngày nay. Pin chỉ có thể duy trì được 20 phút đàm thoại và mất tới 10 giờ để nạp đầy trở lại.

Bước tiến của Motorola cũng giúp ngăn cản sự độc quyền về dịch vụ di động của tập đoàn khổng lồ AT&T, là động lực và cơ hội cho những đối thủ cạnh tranh khác cùng tham gia thúc đẩy phát triển lĩnh vực mới mẻ này.

Những chiếc điện thoại di động ngày nay đã phát triển vượt xa cả giấc mơ của những người “sinh” ra chúng. Điện thoại di động ngày càng phổ biến và trở nên không thể thiếu trong cuộc sống con người, ở bên cạnh con người mọi lúc, mọi nơi. Điện thoại di động cũng là đối tượng cho những nghiên cứu cải tiến, phát minh không ngừng nghỉ của con người.

Qua đó, chúng liên tục được thay đổi, nâng cấp cả về công nghệ cũng như kiểu dáng. Điện thoại ngày càng nhỏ hơn, đẹp hơn, tiện dụng hơn, thông minh hơn. Từ những chức năng cơ bản như nghe, gọi, nhắn tin, truy cập mạng Internet, các thương hiệu sản xuất di động hàng đầu như Nokia, Blackberry, Samsung, LG, Motorola… lần lượt cho ra đời điện thoại tích hợp chụp ảnh, GPS, email, sử dụng hệ điều hành thông minh, đáp ứng không chỉ nhu cầu liên lạc mà cả học tập, làm việc và giải trí của con người...

Một sự kiện quan trọng của lĩnh vực công nghệ này diễn ra vào năm 2007, khi hãng Apple “trình làng” chiếc điện thoại Iphone đầu tiên với màn hình cảm ứng siêu nhạy, đánh dấu sự sáng tạo đột phá về kiểu dáng, giúp người sử dụng có thể thao tác dễ dàng trên điện thoại chỉ bằng việc “lướt” nhẹ các ngón tay. 

Mặc dù màn hình cảm ứng đã từng được sử dụng từ năm 1993, nhưng Iphone mới là sự kiện tạo nên một cơn sốt chưa từng có, chính thức khởi đầu cho cuộc cạnh tranh khốc liệt trong phân khúc dòng điện thoại thông minh đã cuốn hút cả thế giới trong hơn 10 năm qua và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Không chỉ có kiểu dáng hay cấu hình, nhu cầu về hạ tầng và công nghệ với các trạm điện thoại vệ tinh, các ứng dụng nền cho điện thoại cũng khiến cuộc đua giữa các hãng điện thoại hay tập đoàn truyền thông ngày càng khốc liệt và không thể lường trước.

Trong cuộc cạnh tranh này, chắc chắn người tiêu dùng sẽ tiếp tục được chứng kiến những đột phá ngày càng hữu dụng hơn, tiện lợi hơn, mà trong tương lai gần, có lẽ sẽ là những chiếc smartphone có thể uốn cong hay gập, mở thành nhiều phần, vốn đang được nhiều công ty đầu tư nghiên cứu.

Trái Đất của chúng ta hiện có hơn 7,6 tỷ người, thì có hơn 5 tỷ người đang sử dụng điện thoại di động cá nhân. Với thiết bị hữu ích này, chúng ta có cả thế giới thu nhỏ trong lòng bàn tay.

THƯ KỲ (tổng hợp)

 
.
.
.