Sẽ có lục địa mới tách ra từ châu Phi?
Xuất hiện rãnh nứt khổng lồ, bằng chứng châu Phi bắt đầu tách làm 2, tạo thành lục địa mới.
Từ trái qua, trên xuống: Quang cảnh rãnh nứt khổng lồ cắt ngang tuyến đường cao tốc chính ở Tây Nam Kenya; Vị trí Đới tách giãn Đông Phi trên bản đồ châu lục; Trong lúc này, nhiều người dân địa phương không bỏ qua cơ hội chụp ảnh với khe nứt khổng lồ để “khoe” trên mạng xã hội; Hình dung về lục địa châu Phi sau khi tách làm 2. |
Một vết nứt khổng lồ kéo dài hàng km và rộng hàng chục mét bất ngờ xuất hiện gần đây ở vùng tây nam Kenya được cho là bằng chứng cho thấy lục địa châu Phi đang bắt đầu tách làm 2. Vết nứt nói trên hiện vẫn tiếp tục phát triển, khiến một phần tuyến đường cao tốc Nairobi - Narok bị phá hủy, kèm theo là các hoạt động địa chấn trong khu vực.
Trái Đất là hành tinh không ngừng biến đổi, mặc dù nhiều sự đổi thay đó chúng ta không thể nhận thấy bằng mắt thường. Sự dịch chuyển của các mảng địa chất là một ví dụ. Tuy vậy, sự xuất hiện của vết nứt khổng lồ tại Kenya là một bằng chứng rất rõ ràng về sự chuyển động ghê gớm của hoạt động địa chất, làm dấy lên những câu hỏi về việc lục địa Phi châu bắt đầu tách làm 2 như dự báo lâu nay của giới khoa học.
Trong lịch sử hình thành hàng tỉ năm, tầng đá quyển của Trái Đất đã bị vỡ thành một số lượng lớn các mảng kiến tạo. Những mảng này không đứng yên mà chuyển dịch tương đối với nhau theo những tốc độ khác nhau, “trượt” trên lớp quyển mềm có kết cấu nhầy dính.
Chính xác cơ chế đằng sau những chuyển động này là gì thì vẫn còn gây tranh cãi, nhưng nhiều khả năng có liên quan đến những dòng đối lưu trong lớp quyển mềm và những lực phát sinh từ vùng tiếp giáp giữa các mảng kiến tạo.
Những lực này không chỉ đơn giản làm dịch chuyển các mảng kiến tạo, mà còn khiến các mảng này nứt vỡ, tạo ra khe nứt và có thể dẫn đến sự kiến tạo ra những đường ranh giới mảng mới. Đới tách giãn Đông Phi (East African Rift) là một ví dụ về nơi đang diễn ra quá trình này.
Đới tách giãn Đông Phi trải dài trên 3.000km từ Vịnh Aden ở phía bắc tới Zimbabwe ở phía nam, chia tách mảng kiến tạo châu Phi hiện nay thành 2 phần không cân bằng là mảng Somali và mảng Nubian.
Đây là một đới tách giãn có hoạt động bất thường và hầu hết nằm dưới đại dương. Từ lâu, các nhà địa chất học đã dự đoán, khoảng 50 triệu năm nữa châu Phi sẽ bị chia ra làm 2 bởi Đới tách giãn Đông Phi.
Hoạt động địa chất dọc nhánh phía đông của thung lũng nứt vỡ, dọc theo Ethiopia, Kenya và Tanzania, trở nên rõ ràng hơn khi vết nứt lớn bất ngờ xuất hiện ở tây nam Kenya.
“Thung lũng tách giãn lớn (Great Rift Valley) sẽ tách châu Phi ra làm 2. Với những gì đang xảy ra, chúng tôi đã tính toán rằng, lục địa châu Phi đang tách ra tại khu vực Somali với tốc độ 2,5cm một năm. Trong tương lai gần điều này vẫn tiếp tục xảy ra, chúng ta sẽ có một vùng biển tách biệt giữa Somali và các nước châu Phi còn lại”, nhà địa chất Kenya David Ahede phát biểu trên tờ báo địa phương Daily Nation.
Ông Ahede cho hay, sự tăng tốc chuyển động kiến tạo của các mảng trên Trái đất chủ yếu được kích thích bởi những hoạt động của núi lửa gần mảng kiến tạo. Nhà địa chất học tin rằng tốc độ tách ra của châu Phi nhanh lên là vì sự hoạt động của 1 ngọn núi lửa có tên là Suswa nằm trên Thung lũng tách giãn Lớn.
Trong lịch sử Trái Đất, từng xảy ra một ví dụ về nơi xảy ra hiện tượng chia tách của mảng kiến tạo ở vùng biển Nam Đại Tây Dương, vốn được hình thành từ sự đứt gãy giữa Nam Mỹ và châu Phi vào khoảng 138 triệu năm trước – sau này được giới khoa học phát hiện khi họ nhận thấy các đường bờ biển của hai lục địa này khớp với nhau như trên một bức tranh ghép hình.
THU HẰNG