Chiến dịch báo thù đô đốc Isoroku Yamamoto trong thế chiến II - Bài cuối: Cuộc tập kích bất ngờ
Sáng 17-4-1943, Thiếu tá John W. Mitchell, chỉ huy Không đoàn chiến thuật số 339 của Mỹ triệu tập một cuộc họp với 18 phi công điều khiển 18 chiếc máy bay tiêm kích P-38G Lightning. 18 người này chỉ được phổ biến rằng họ sẽ tham gia tiêu diệt một nhân vật cao cấp của Nhật Bản trên đường bay từ Rabaul đến Balalae. Không một ai trong số họ biết “nhân vật cao cấp” ấy là Đô đốc Yamamoto, Tư lệnh Hải quân Nhật, tác giả của vụ tập kích Trân Châu Cảng…
KHỞI ĐỘNG CỖ MÁY BÁO THÙ
Những chiếc P-38 chuẩn bị cất cánh trong chiến dịch báo thù. |
Mở đầu cuộc họp, Thiếu tá John W. Mitchell cho biết, đây là một phi vụ đặc biệt quan trọng và tuyệt đối bí mật. Vì vậy, để tránh bị radar Nhật Bản đặt tại quần đảo Solomon phát hiện nên thay vì bay theo đường thẳng từ nơi xuất phát đến Bougainville, dài 640km, những chiếc tiêm kích P-38 sẽ phải bay về phía nam rồi sau đó, ngoặt sang phía tây Solomons, với quãng đường 970km.
Thoạt đầu, loại máy bay dự định sử dụng trong “Chiến dịch báo thù” là tiêm kích F4F Wildcat và F4U Corsair nhưng do phải bay vòng để giữ bí mật nên cuối cùng, Trung tá Luther S. Moorethay, chỉ huy Không đoàn chiến thuật 347 đề nghị thay bằng loại P-38 vì F4F Wildcat và F4U Corsair không đủ nhiên liệu để hoàn tất cuộc hành trình.
Suốt ngày hôm đó, các phi công cùng nhân viên kỹ thuật tất bật kiểm tra lại máy bay. Về mặt thiết kế, P-38 được trang bị 1 khẩu pháo 20mm và 4 súng máy 12,7mm. Riêng nhiên liệu, mỗi chiếc có 2 bình xăng dưới cánh, chứa tổng cộng 1.240 lít, đủ để bay trên một quãng đường 1.620km. Theo kế hoạch, trong số 18 chiếc P-38, sẽ chỉ có 1 chiếc làm nhiệm vụ “báo thù”. 17 chiếc còn lại chia làm 2 nhóm, nhóm đầu gồm 9 chiếc, bay ở độ cao 5.500m, gọi là “đám mây che phủ” để đánh chặn những máy bay Nhật đi theo hộ tống ở tầm cao. 8 chiếc còn lại bay ở 2.000m, gọi là “chổi quét nhà”, cũng với nhiệm vụ đánh chặn máy bay Nhật ở tầm thấp. Dựa trên hành trình và tốc độ của máy bay Mitsubishi G4M chở Đô đốc Yamamoto, Thiếu tá John W. Mitchell, chỉ huy Không đoàn chiến thuật số 339 dự kiến thời điểm cho việc tiêu diệt “nhân vật cao cấp” Nhật Bản là 9 giờ 35 phút sáng ngày 18-4-1943 - 10 phút trước khi chiếc Mitsubishi G4M hạ cánh xuống sân bay Balalae.
7 giờ sáng 18-4, trước khi 18 chiếc P-38 lăn bánh ra đường băng thì Thiếu tá John W. Mitchell phát hiện máy bay của Trung tá Jim McLanahan bị xẹp lốp bánh xe hạ cánh, còn bộ bơm nhiên liệu trong máy bay của Đại úy Joe Moore hoạt động không bình thường nên John W. Mitchell loại 2 chiếc này ra khỏi chiến dịch. Như vậy, số lượng máy bay tham gia tiêu diệt Đô đốc Yamamoto chỉ còn 16 chiếc.
7 giờ 5 phút, 16 chiếc P-38 cất cánh rời khỏi sân bay Kukum Field trên đảo Guadalcanal. Cũng thời điểm ấy ở sân bay Rabaul, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 12 Không quân Nhật Bản là Đại tá Uchi Saito cùng bộ tham mưu đã có ý kiến ngăn cản chuyến đi của Đô đốc Yamamoto vì sợ bị Không quân Mỹ phục kích. Tuy nhiên, Yamamoto cho rằng phía Mỹ sẽ không bao giờ ngờ được ông lại xuất hiện ở ngay tiền tuyến nên 7 giờ 30 phút, ông ra lệnh cho máy bay cất cánh. 2 chiếc Mitsubishi G4M trong đó có 1 chiếc chở ông bay ở độ cao 2.000m, 3 máy bay chiến đấu Mitsubishi A6M Zero hộ tống ông bay cao hơn 500m. 3 chiếc còn lại bay phía dưới ở độ cao 460m. Tất cả xếp theo hình chữ V.
KẾT THÚC
Từ trái qua: Trung tá Rex T. Barber, người đã bắn hạ chiếc máy bay chở Yamamoto, Thiếu tá John W. Mitchell, Trung tá Besby F. Holmes, người bắn hạ chiếc máy bay chở Phó Đô đốc Matome Ugaki. |
9 giờ 32 phút ngày 18-4, phi đội “báo thù” của Thiếu tá John W. Mitchell phát hiện tốp máy bay của Đô đốc Yamamoto. Lập tức, 16 chiếc P-38 đồng loạt vứt bỏ những thùng xăng phụ rồi bổ nhào. Theo đúng kế hoạch, 8 chiếc P-38 nã đạn liên hồi vào 3 chiếc Mitsubishi A6M Zero bay ở tầng trên, 7 chiếc còn lại quần thảo với 3 chiếc Mitsubishi A6M Zero bay ở tầng dưới. Chỉ khoảng hơn 2 phút giao chiến, 4 chiếc Mitsubishi A6M Zero trúng đạn nổ tung giữa trời. 2 chiếc còn lại lẩn vào mây, chạy thoát.
Về phía Trung tá Rex T. Barber, người lái chiếc P-38 có nhiệm vụ tiêu diệt “nhân vật cao cấp” Nhật Bản, lúc nhìn thấy một chiếc Mitsubishi G4M bay dưới chân mình đã cho máy bay lao xuống và khi phần thân của nó đã nằm gọn trong kính ngắm, Barber siết cò khẩu 20mm. Chỉ trong tích tắc, động cơ bên trái của chiếc Mitsubishi G4M tuôn ra một cuộn khói đen kịt kèm theo những chớp lửa nhấp nháy. Nó lao thẳng xuống khu rừng già bên dưới rồi sau đó là một cụm lửa bùng lên. Lúc ấy, Barber không hề biết rằng mình vừa bắn hạ Tư lệnh Hải quân Nhật Bản.
Cho máy bay vòng lại, Barber tìm kiếm chiếc Mitsubishi G4M thứ hai. Chẳng khó khăn gì, Barber nhìn thấy nó đang tăng tốc để cố chạy thoát khỏi những con diều hâu đói mồi P-38. Cũng vừa lúc ấy, một chiếc P-38 khác do Trung tá Besby F. Holmes sau khi bắn hạ một máy bay Mitsubishi A6M Zero đã quay đầu vòng lại. Bằng một loạt đạn 20mm, Besby F. Holmes bắn trúng động cơ của chiếc Mitsubishi G4M trong lúc Barber bồi thêm mấy loạt 12,7mm. Chiếc máy bay ấy chở Phó Đô đốc Matome Ugaki cùng một số sĩ quan tùy viên rơi xuống một khoảnh đất mọc đầy những bụi cây rậm. Matome Ugaki và hai người khác sống sót rồi được lính Nhật cứu thoát kịp thời.
Hoàn tất chiến dịch “báo thù”, những chiếc P-38 quay lại sân bay Kukum Field trên đảo Guadalcanal, nhưng chỉ có 15 chiếc, còn 1 chiếc do Trung tá Raymond K. Hine điều khiển không thấy đâu. Theo Thiếu tá John W. Mitchell, chỉ huy Không đoàn chiến thuật số 339, thời điểm chiếc Mitsubishi G4M thứ nhất bị bắn hạ, ông còn thấy Raymond K. Hine bay bên cạnh mình nhưng sau đó Hine biến mất. Có lẽ máy bay của Hine đã trúng đạn, rơi xuống biển.
Ngày 19-4-1943 - một ngày sau “chiến dịch báo thù” - Trung úy Hamasuna dẫn đầu một nhóm tìm kiếm cứu hộ thuộc Sư đoàn Không quân số 12, Nhật Bản đã tìm thấy địa điểm chiếc Mitsubishi G4M rơi ở khu rừng phía bắc sân bay Balalae, gần bờ biển. Theo Trung úy Hamasuna, xác Đô đốc Yamamoto bị văng ra khỏi máy bay nhưng vẫn ngồi nguyên trên ghế, ngang bụng vẫn thắt dây an toàn. Trên tay Yamamoto còn cầm thanh kiếm Katana. Thân thể ông có 2 vết đạn. Tiến hành giải phẫu tử thi, các bác sĩ Hải quân Nhật Bản xác định viên đạn bắn vào đầu đã giết chết Yamamoto.
Ở Nhật, cái chết của Đô đốc Yamamoto đã gây sốc cho toàn thể người dân Nhật, còn ở Mỹ, nhằm bảo vệ cho những nhân viên giải mã người Mỹ gốc Nhật cùng gia đình họ - nhiều gia đình lúc ấy vẫn sống ở Nhật Bản - Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương chỉ đưa ra một thông cáo báo chí ngắn gọn: Một tàu chở hàng dân sự đi qua vùng biển Solomon đã thấy một tốp máy bay Nhật, và họ đã báo tin qua radio cho lực lượng Hải quân Mỹ gần đó. Việc bắn hạ Yamamoto chỉ là may mắn tình cờ…
VŨ CAO
(Theo History - Vengeance Operation)