Sự thật về chiến dịch cứu đói người Nga của Mỹ
Sáng kiến nhân đạo của Chính phủ Mỹ sau Thế chiến thứ nhất, ban đầu nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô tại châu Âu, nhưng cuối cùng đã giúp cứu mạng sống của hàng triệu người Nga trong nạn đói kinh hoàng 1921-1922.
Vernon Kellogg, một nhà khoa học Mỹ, quan chức của ARA, trên đường phố Moskva trong sứ mạng cứu trợ nhân đạo tại Nga. |
Nạn đói từng khiến Mỹ phải điều một sứ mạng nhân đạo khổng lồ tới Liên Xô vào năm 1921, được coi là thảm kịch khủng khiếp nhất tại châu Âu kể từ thời Trung cổ, với bệnh dịch “Cái chết đen” vào giữa thế kỷ 15.
Do hậu quả của cuộc Đại chiến thế giới thứ nhất và cuộc Nội chiến Nga, nhiều vùng tại nước này đã rơi vào nạn đói chưa từng thấy vào năm 1921-1922. Hàng chục triệu người rơi vào cảnh thiếu ăn và người ta tin rằng không dưới 5 triệu người Nga đã chết đói.
Trong khi đó vào tháng 4-1919, 2 năm trước khi nạn đói bùng phát ở Nga, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật chống đói châu Âu”, cho phép chi 100 triệu USD để giúp các nước châu Âu đối phó với nạn thiếu lương thực sau Thế chiến thứ nhất. Nỗ lực chống đỡ nạn đói được lãnh đạo bởi Cơ quan Cứu trợ Mỹ (ARA), do ông Herbert Hoover, người sau này trở thành Tổng thống Mỹ, đứng đầu.
Ban đầu nước Nga Xô Viết không nằm trong danh sách các nước nhận trợ giúp của Mỹ. Thời điểm đó, Mỹ và các nước phương Tây thậm chí đã can thiệp quân sự vào cuộc xung đột tại Nga để ủng hộ phe phản loạn tại một số vùng. Chương trình lương thực Mỹ thực chất là một trong những nỗ lực nhằm cản trở chủ nghĩa cộng sản lan sang các nước châu Âu, vốn đang đối mặt với tình trạng điều kiện sống sa sút.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng vào giữa năm 1921. Chính quyền Liên Xô đã xử lý được sự can thiệp nước ngoài và dẹp yên phe nổi loạn trong nước. Đây là một thực tế mới mà các nước phương Tây phải chấp nhận. Thêm vào đó, nạn đói lan tràn kinh hoàng khiến các nước không thể nào phớt lờ được nữa: Ước tính, khoảng 100.000 người chết đói mỗi tuần.
Tình hình thật sự là khốn đốn. Nhà báo kiêm học giả người Mỹ Cynthia Heaven viết, người dân ở những vùng đói buộc phải ăn “cỏ trộn với xương nghiền, vỏ cây, đất sét, ăn thịt đủ loại sinh vật từ ngựa, chó, mèo, chuột cho đến cả rơm trên mái nhà. Chính phủ đã phải nỗ lực ngăn chặn nạn bán máu người và cắt cử canh gác tại các nghĩa trang để ngăn nạn đào mồ”.
Bà cũng dẫn những báo cáo ghê rợn từ một trong các nhân viên ARA làm việc tại Nga: “Tôi đã nhìn thấy hàng đống xác người nửa trần truồng, đông cứng trong những tư thế kỳ cục, với những dấu hiệu đã bị những con chó hoang tấn công”.
Nhà văn vĩ đại Liên Xô Maxim Gorky khi đó đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ. Tháng 9-1921, nhà thám hiểm nổi tiếng người Na Uy Fridtijof Nansen đọc diễn văn tại diễn đàn Liên đoàn các quốc gia, kêu gọi thế giới không có quyền “đẩy hàng triệu người tới cái chết chỉ vì thù địch với chính quyền Liên Xô”.
Rất nhanh sau đó, ARA đạt được một thỏa thuận với Chính phủ Liên Xô về việc cung cấp bữa ăn cho hàng triệu người mỗi ngày. Các nhà chức trách Nga đã mở 7.000 bếp ăn để phục vụ những người có nhu cầu, nhưng con số đó là quá nhỏ bé. Tới tháng 8-1921, ARA mở tới 19.000 bếp ăn, nuôi 10 triệu người mỗi ngày, với thực đơn đơn giản gồm ngô hạt, sữa đặc, cacao, bánh mì trắng và đường - toàn bộ đều nhập khẩu. Bên cạnh các bếp ăn, ARA còn mở các mái trú cho người vô gia cư và trẻ mồ côi, cũng như phát động một chiến dịch chống dịch sốt phát ban.
Lương thực, thực phẩm cứu trợ như ngô, sữa đặt, cacao, đường đều được phía Mỹ nhập khẩu vào Nga. |
“Sự giúp đỡ của các bạn sẽ đi vào lịch sử như là một chiến thắng đáng giá, một thành tựu vĩ đại và duy nhất, sẽ còn mãi trong ký ức của hàng triệu người Nga đã được các bạn cứu khỏi cái chết”, nhà văn Maxim Gorky đã viết như vậy trong lá thư gửi Herbert Hoover vào tháng 7-1922 cảm ơn Mỹ đã giúp nước Nga Xô Viết non trẻ vượt qua nạn đói chết chóc.
PHAN LONG
(Báo Tin tức)