Liên hợp quốc hoan nghênh Mỹ và Nga tuân thủ START mới
Tròn 7 năm kể từ ngày Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới chính thức có hiệu lực, ngày 6-2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh việc Mỹ và Nga cắt giảm thành công các loại vũ khí tấn công chiến lược xuống mức giới hạn quy định trong thỏa thuận này.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol của Nga tại triển lãm quốc phòng Kubinka ở ngoại ô Moskva.
|
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, trong bối cảnh mối quan ngại toàn cầu về vũ khí hạt nhân đang gia tăng hơn bao giờ hết kể từ sau cuộc chiến tranh lạnh, các nỗ lực nhằm giải trừ vũ khí hạt nhân, phi hạt nhân hóa và kiểm soát vũ khí mang ý nghĩa sống còn hơn bao giờ hết. Những nỗ lực này có thể đóng các vai trò quan trọng trong việc xây dựng niềm tin, đồng thời ngăn chặn, giảm nhẹ và giải quyết các cuộc xung đột.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres kêu gọi Mỹ và Nga tham gia cuộc đối thoại mà ông cho là sẽ dẫn đến việc cắt giảm hơn nữa số vũ khí chiến lược, đồng thời tiếp tục thể hiện vai trò đi đầu trong chương trình giải trừ quân bị đa phương vốn được chứng minh là "quan trọng đối với an ninh chung".
Trước đó, ngày 1-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định nước này và Nga đã tuân thủ START mới, đồng thời cho biết, hai nước sẽ trao đổi các dữ liệu liên quan tới hiệp ước này trong tháng tới như đã làm trong suốt 7 năm qua.
Được ký kết vào tháng 4-2010 tại Cộng hòa Séc và có hiệu lực từ ngày 5-2-2011, START mới yêu cầu Mỹ và Nga đến ngày 5-2-2018 giới hạn lượng vũ khí chiến lược, cụ thể là giảm số đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.550 đơn vị và chỉ được triển khai 700 phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân.
Hiệp ước này sẽ được kéo dài tới năm 2021 với thời gian gia hạn 5 năm. Hiệp ước START mới còn có tên gọi là Hiệp ước về Các biện pháp nhằm cắt giảm thêm và Giới hạn các loại vũ khí tấn công chiến lược.
REUTERS