Câu chuyện đằng sau những lần Triều Tiên dự Olympic
Trái với nhiều đồn đoán, các vận động viên Triều Tiên ít khả năng bị trừng phạt nặng nề nếu thất bại trên đấu trường quốc tế.
Trong bài phát biểu năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề cập đến khả năng cử vận động viên Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa đông 2018 tại thành phố Pyeongchang của Hàn Quốc. Seoul đã hoan nghênh đề xuất này.
Triều Tiên đã tham gia Thế vận hội mùa đông kể từ năm 1964 và Thế vận hội mùa hè từ năm 1972. Họ đã giành được 56 Huy chương, 16 trong số đó là Huy chương Vàng, hầu hết ở các môn đấu vật, cử tạ, judo và quyền Anh. Tuy nhiên, đa phần thành tích đạt được tại Thế vận hội mùa hè, chỉ có 2 Huy chương là trong Thế vận hội mùa đông.
Tại Triều Tiên, hầu hết sự kiện thể thao được đưa tin chậm so với thời gian thực, để đề phòng trường hợp kết quả không có lợi cho Bình Nhưỡng. Tại Asian Games 2014, đội tuyển bóng đá nam Triều Tiên đã lọt vào trận chung kết và đối đầu với nước chủ nhà là Hàn Quốc. Hai đội bất phân thắng bại trong hiệp chính nhưng Hàn Quốc cuối cùng chiến thắng 1-0 trong hiệp phụ. Kết quả trận đấu đã không được Triều Tiên đưa tin.
Các vận động viên xuất sắc được đối xử rất tốt ở Triều Tiên. Nếu họ giành chiến thắng tại Olympic, họ có thể được trao thưởng ô tô hoặc thậm chí căn hộ. Có những tin đồn rằng các vận động viên không có thành tích tốt sẽ bị trừng phạt bằng cách đưa đến các trại giam hay lao động khổ sai nhưng các nhà phân tích nói rằng điều này không được xác nhận hoặc chí ít là không đúng trong thời gian gần đây. Lần cuối cùng có thông tin đáng tin cậy về việc vận động viên bị phạt nặng là hơn 25 năm trước.
Fyodor Tertitskiy, chuyên gia phân tích của NK News cho biết: “Trong những thập niên gần đây, vận động viên thất bại chỉ bị khiển trách. Bình Nhưỡng hiểu rằng nếu họ tống các vận động viên vào các trại tập trung, họ sẽ sớm chẳng còn người nào”.
Tại Olymic Rio năm 2016, vận động viên thể dục thể hình Triều Tiên Hong Un-jong đã chụp hình selfie với đối thủ Hàn Quốc Lee Eun-ju. Nhiều người đồn đoán rằng Hong Un-jong sẽ bị trừng phạt vì hành động này. Nhưng thực tế, Hong Un-jong từng ôm vận động viên Mỹ Simone Biles tại một cuộc thi quốc tế năm 2014. Nếu vận động viên Triều Tiên thực sự bị trừng phạt nếu tương tác với đối thủ từ những nước Bình Nhưỡng coi là kẻ thù thì Hong Un-jong đã không có cơ hội tham gia Olympic năm 2016.
Vận động viên Triều Tiên Hong Un-jong (trái) chụp ảnh với vận động viên
Hàn Quốc Lee Eun-ju.
|
Chưa có vận động viên Triều Tiên nào đào tẩu khi ra nước ngoài tham dự Olympic. Giống như các nhà ngoại giao, gia đình các vận động viên ở Triều Tiên có thể bị trừng phạt nếu họ chạy trốn.
ĐÁNH BOM VÀ TẨY CHAY
Triều Tiên từng hưởng ứng Liên Xô trong việc tẩy chay Olympic Los Angeles năm 1984, sau khi Mỹ dẫn đầu cuộc tẩy chay Olympic Moscow năm 1980 nhằm phản đối việc Liên Xô can thiệp quân sự tại Afghanistan.
Năm 1988, Olympic được tổ chức tại Seoul và điều này khiến Bình Nhưỡng rất giận dữ. Theo Tertitskiy, họ đã phát động một chiến dịch đòi đổi nước chủ nhà hoặc yêu cầu cả hai miền bán đảo Triều Tiên cùng chủ trì sự kiện.
Để phá hoại Hàn Quốc, đặc vụ Triều Tiên đã đánh bom máy bay hãng hàng không Korean Airlines vào năm 1987, khiến 115 người thiệt mạng. Nữ điệp viên Triều Tiên bị bắt nói với BBC vào năm 2013 rằng cấp trên yêu cầu bà làm vậy để tạo ra sự hỗn loạn và lo âu ở Hàn Quốc.
PHÁ BĂNG
Nếu Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa đông ở Pyeongchang, niềm hy vọng của nước này sẽ đặt vào 2 vận động viên trượt băng nghệ thuật Kim Ju-sik, 25 tuổi và Ryom Tae-ok, 18 tuổi. Huấn luyện viên người Canada miêu tả họ là “những viên kim cương thô” khi mới gặp ông. Ông nói rằng: “giấc mơ tột cùng của họ là trở thành nhà vô địch thế giới”.
Sự tham gia của Triều Tiên sẽ là bước phá băng ngoại giao cho hai nước vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Một số nhà phân tích cho rằng, Kim Jong-un đang muốn củng cố hình ảnh đất nước sau nhiều tháng đấu khẩu gay gắt với Mỹ.
Đối với Hàn Quốc, việc Triều Tiên tham gia là cơ hội để đảm bảo rằng Thế vận hội có thể diễn ra suôn sẻ mà không có hành động gây rối nào từ Bình Nhưỡng.
Đề nghị của ông Kim cũng được xem như là nỗ lực nhằm tạo ra rạn nứt giữa Seoul và Washington khi Mỹ đang cố gắng ép Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình tên lửa bằng chiến dịch gây áp lực tối đa.
PHƯƠNG VŨ