.

Nhận diện sức mạnh tàu sân bay USS Carl Vinson

Cập nhật: 18:33, 05/02/2018 (GMT+7)

Theo dự kiến, tháng 3 năm nay, một tàu sân bay của Mỹ sẽ cập cảng Đà Nẵng. Theo trang tin USNI News, chiếc tàu sân bay này có thể là chiếc USS Carl Vinson (CVN-70)). Cũng theo nguồn tin từ trang này, hiện kế hoạch đang được soạn thảo để chờ phía Việt Nam phê duyệt.

Mỗi hàng không mẫu hạm Nimitz được hộ tống bởi ít nhất 2-3 tuần dương hạm lớp Ticonderoga, 3-4 tàu khu trục Aegis lớp Arleigh Burke, 1-2 tàu ngầm tấn công hạt nhân, cùng 1-2 tàu hậu cần.
Mỗi hàng không mẫu hạm Nimitz được hộ tống bởi ít nhất 2-3 tuần dương hạm lớp Ticonderoga, 3-4 tàu khu trục Aegis lớp Arleigh Burke, 1-2 tàu ngầm tấn công hạt nhân, cùng 1-2 tàu hậu cần.

USS Carl Vinson (CVN-70) là một trong 10 chiếc siêu hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân thứ ba thuộc lớp Nimitz của Hải quân Hoa Kỳ. Nó được đặt theo tên nghị sĩ bang Georgia - Carl Vinson (1883 - 1981) để ghi nhận những đóng góp của ông với lực lượng này.

Tàu sân bay Carl Vinson được khởi đóng ngày 11-10-1975, hạ thủy ngày 15-3-1980 và chính thức gia nhập hạm đội ngày 13-3-1982. Năm 2005, con tàu này tạm ngừng hoạt động để đại tu, tái nạp thanh nhiên liệu hạt nhân và quay lại làm nhiệm vụ vào năm 2009.

CVN-70 có chiều dài 332,84m; chiều rộng 76,8m; mớn nước 11,3m; lượng giãn nước đầy tải 101.300 tấn. Thủy thủ đoàn của tàu sân bay USS Carl Vinson rất hùng hậu, lên tới 3.200 nhân viên hạm tàu cùng 2.480 nhân lực của hàng không, khi cần thiết thì tàu có thể tiếp nhận tới 6.062 người cùng lúc.

Hệ thống động lực của tàu gồm 2 lò phản ứng hạt nhân Westinghouse A4W, 4 turbine hơi nước với tổng công suất 260.000 mã lực (194 MW), cho tốc độ tối đa trên 30 hải lý/h (56km/h), tầm hoạt động không giới hạn và có thể làm việc liên tục 25 năm.

Hệ thống điện tử của tàu sân bay USS Carl Vinson rất đồ sộ, bao gồm radar trinh sát đường không 3 tham số (3D) AN/SPS-48E cùng radar AN/SPS-49(V)5 2D; radar theo dõi mục tiêu AN/SPQ-9B; radar kiểm soát không lưu AN/SPN-46 và AN/SPN-43C; radar điều khiển hạ cánh AN/SPN-41; 4 hệ thống dẫn đường Mk 91 NSSM với các radar Mk 95.

Bên cạnh đó, trên tàu còn có hệ thống đối kháng điện tử AN/SLQ-32A(V)4 và hệ thống phòng chống ngư lôi SLQ-25A Nixie có vai trò tự vệ thụ động trước các cuộc tấn công của đối phương.

Chiếc CVN-70 có khả năng mang theo 90 máy bay cánh cố định và trực thăng các loại. Trong đó có những loại rất đáng chú ý như tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler và tương lai sẽ là tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35C Lightning II.

Vũ khí trang bị của tàu sân bay USS Carl Vinson chỉ bao gồm 2 bệ phóng Mk 57 Mod 3 của tên lửa phòng không tầm trung RIM-7 Sea Sparrow, 2 bệ phóng tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 Rolling Airframe Missile và 3 module pháo bắn nhanh Phalanx CIWS cỡ 20mm.

Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) đã được Hải quân Mỹ triển khai cho các nhiệm vụ kiểm soát đường biển tại vùng Vịnh trong thập niên 1990, tuần tra khu vực biển Đông cũng như gia tăng áp lực lên Triều Tiên trong năm 2017.

Khi làm nhiệm vụ, tàu sân bay Carl Vinson được hộ tống bởi các tàu khu trục tên lửa USS Wayne E. Meyer (DDG-108) và USS Michael Murphy (DDG-112) đều thuộc lớp Arleigh Burke, cùng với tuần dương hạm USS Lake Champlain (CG-57) lớp Ticonderoga tạo ra biên đội tác chiến rất mạnh. Trong đó, 2 tàu khu trục Mỹ có thể mang tới 128 quả tên lửa Tomahawk, còn tuần dương hạm lớp Ticonderoga được trang bị tới 122 quả tên lửa Tomahawk. Ngoài ra còn có 1 đến 2 tàu ngầm hạt nhân đi kèm và mang trong mình khoảng 154 quả tên lửa Tomahawk.

Việc Hải quân Mỹ dự kiến cử tàu sân bay tới thăm Đà Nẵng vào tháng 3 này cho thấy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước đang có nhiều bước tiến triển vọng.

THƯ KỲ

.
.
.